Bộ Y tế giải thích vì sao Việt Nam chưa coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" như cúm

( PHUNUTODAY ) - Số người bị bệnh nặng và không qua khỏi giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để coi Covid-19 là bệnh lưu hành.

"Bệnh lưu hành" là gì?

Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5/3, Bộ Y tế cho biết "bệnh lưu hành" (tiếng Anh: "endemic diseases") hoặc "bệnh đặc hữu" - theo cách gọi một số chuyên gia - là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Định nghĩa bệnh lưu hành còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Bệnh lưu hành có một số tiêu chí cụ thể như sau:

- Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh.

- Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh.

- Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định.

- Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

WHO nhận định còn quá sớm để cho rằng đại dịch sắp kết thúc

Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã mở cửa hoàn toàn, dỡ bỏ các quy định hạn chế, thậm chí bỏ cả quy định phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Trong nước cũng có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên coi Covid-19 là bệnh lưu hành giống như cúm thông thường.

Tuy nhiên, cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại trước các biến thể không lường trước được của SARS-CoV-2.

Theo Dân trí, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ rằng hiện có nhiều kịch bản khác nhau về cách đại dịch có thể diễn ra và cách mà giai đoạn cấp tính có thể kết thúc. Tuy nhiên, còn quá sớm để cho rằng biến thể Omicron sẽ là biến thể cuối cùng hoặc đại dịch sắp kết thúc. Mỗi quốc gia có một tình trạng riêng và phải vạch ra con đường thoát khỏi giai đoạn cấp tính của đại dịch bằng cách tiếp cận từng bước, thận trọng.

"Sẽ không có lối thoát trừ khi chúng ta đạt được mục tiêu chung toàn cầu là tiêm chủng cho 70% dân số của mọi quốc gia vào giữa năm nay. Chúng ta phải tiếp tục tiêm chủng cho tất cả những ai đủ điều kiện - tiếp cận những người chưa được tiếp cận và không bỏ lại ai", TS Park nhấn mạnh.

Việt Nam chưa nên coi Covid-19 là "bệnh lưu hành"

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nặng và không qua khỏi ở trong nước đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số người bệnh tử vong vẫn đang ở mức cao trên dưới 100 trường hợp/ngày. Con số này cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi - những căn bệnh lưu hành có số ca bệnh không qua khỏi cao hàng đồng trong các bệnh truyền nhiễm hàng năm.

Bộ Y tế khẳng định: "Trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch Covid-19 là "bệnh lưu hành".

4 lý do được đưa ra cho việc Việt Nam chưa thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành"

- Tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều ghi nhận có ca nhiễm Covid-19. Tuy vậy, dịch Covid-19 ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch và giai đoạn bệnh lưu hành.

- Tỷ lệ mắc chưa ổn định và có sự phân biệt lớn giữa các địa phương, đặc biệt là giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

- Số ca bệnh không qua khỏi theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

- Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm. Do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link