Phân biệt triệu chứng của Covid-19 với cảm cúm thông thường
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) cho rằng, về lâu dài, Covid-19 có thể xếp vào nhóm bệnh như cảm cúm. Đây là nhóm bệnh đều lây qua đường hô hấp, trực tiếp qua giọt bắn khi bệnh nhân hắt hơi hay qua tiếp xúc gián tiếp như chạm vào bề mặt có virus rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Nếu chỉ dựa vào triệu chứng thông thường thì rất khó phân biệt Covid-19 với cảm cúm vì cũng có các biểu hiện giống nhau như sốt, đau họng, mệt mỏi, đau nhức cơ...
Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh có 2 triệu chứng của Covid-19 khác với cảm lạnh, cảm cúm. Đó là đau rát họng nhất là những ngày đầu, cảm giác đau như dao cắt. Khi mắc Covid-19 từ ngày thứ 5 – 8 có triệu chứng này.
Triệu chứng thứ 2 là từ ngày thứ 5, thứ 7 khi phát bệnh thì có thêm triệu chứng mất khứu giác, vị giác.
Thời gian ủ bệnh của Covid-19 thường dài hơn cảm lạnh thông thường. Trước đây, thời gian ủ bệnh là 5-19 ngày, với biến chủng Delta là 3-4 ngày. Còn với cảm lạnh, cảm cúm thông thường có thời gian ủ bệnh ngắn hơn, chỉ khoảng 1-2 ngày, cơ thể mệt mỏi nhiều từ ngày thứ 3-5.
Về điều trị, dù là cảm cúm hay Covid-19 đều điều trị triệu chứng, theo dõi sức khỏe. Nếu cần can thiệp sẽ can thiệp dấu hiệu. Cảm cúm có thuốc kháng virus Tamiflu còn Covid-19 hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, ở thời điểm hiện tại, nếu bạn có bệnh cảnh giống cảm cúm, có thể nghĩ tới việc mình mắc Covid-19, nhất là với những gia đình có F0, cần phải xét nghiệm ngay. Còn những người không nằm trong vùng nguy cơ thì có thể chỉ là cảm cúm.
Một điều mà người dân cần chú ý, dù là cảm cúm thông thường hay giai đoạn đầu của Covid-19 đều không nên sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh. Chỉ khi nào có bội nhiễm vi khuẩn mới cần đến kháng sinh.
Bệnh cúm có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, đôi khi cũng có thể khiến gười bệnh không qua khỏi. Cảm cúm thường diễn ra đột ngột. Giống với Covid-19, những người từ 65 tuổi trở lên; mắc kèm một số bệnh mãn tính (hen suyễn, đái tháo đường, bệnh tim, huyết áp); phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi là những nhóm có nguy cơ cao biến chứng nặng khi mắc bệnh cúm.
Cách sống an toàn trong "bình thường mới", chặn cầu nối lây nhiễm
Bác sĩ Khanh cho rằng khi trở lại cuộc sống bình thường mới, người dân không được chủ quan do tỷ lệ bao phủ vắc xin trong nước vẫn còn thấp, chưa đạt được miễn dịch cộng đồng.
Theo bác sĩ, trong "bình thường mới", người dân có vai trò đặc biệt với phòng chống bệnh. Nếu lơ là thì từ vùng xanh có thể trở thành vùng đỏ, vùng vàng bất cứ lúc nào.Ở thời điểm hiện tại, biến thể Delta chiếm ưu thế, có khả năng lây lan cao và tương lai có thể xuất hiện những biến chủng mới lây lan nhanh. Do đó, người dân vẫn phải tuân thủ nguyên tắc 5K.Cũng theo bác sĩ Khanh, khi tiếp xúc với những người chưa tiêm phòng thì nguy cơ lây bệnh cao hơn. Còn với người đã tiêm phòng, nếu nhiễm Covid-19 thì trong họng ít virus hơn, khả năng phát tán ra bên ngoài sẽ ít hơn. Người đã tiêm vắc xin vẫn có virus trong họng nếu nhiễm bệnh. Do đó, dù ở đâu, bạn vẫn phải đeo khẩu trang.
Nguy cơ lây nhiễm khi đi ngoài đường hầu như là không có. Tuy nhiên, tại các vùng có nguy cơ cao như TP. HCM và các tỉnh phía Nam, tại những nơi tắc đường, ùn ứ giao thông, nếu có người nhiễm virus và bạn không đeo khẩu trang thì vẫn có thể vô tình hít phải virus.
Để sống trong điều kiện "bình thường mới", mỗi người đều phải thực hiện các biện pháp để bản thân mình chặn lại 'cầu nối' lây nhiễm virus.