Mùa vải quả ở Việt Nam thường kéo dài trong một tháng (nửa sau tháng 5 đến nửa đầu tháng 6). Vải tập trung ở hầu hết các tỉnh miền Bắc nước ta, đặc biệt nổi tiếng thơm ngon là giống vải thiều.
Trên thực tế, vải là loại quả giàu chất dinh dưỡng, với vị chua nhẹ, ngọt thanh, màu sắc bắt mắt được rất nhiều người thích ăn. Tuy nhiên, không phải ai ăn vải cũng tốt, vải không có lợi cho một số người. Vì vậy, để vừa được thưởng thức vải, lại không gây hại cho sức khỏe, xin mách bạn những lời khuyên hữu ích của các chuyên gia.
Giá trị dinh dưỡng của quả vải
Thứ nhất: Do chứa lượng đường dồi dào, quả vải sẽ bổ sung năng lượng và tăng cường chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các chất dinh dưỡng này có tác dụng nuôi dưỡng mô não, cải thiện đáng kể chứng mất ngủ, hay quên, tinh thần mệt mỏi của con người.
Thứ hai: Thịt quả vải rất giàu vitamin C và protein, những dưỡng chất này giúp tăng cường hệ miễn dịch, có thể chống lại các bệnh như cảm, sốt, viêm họng cấp và mãn tính. Cùng với đó, các vitamin trong quả vải cũng tham gia vào các quá trình trao đổi chất của da, xương và các mô trong cơ thể chúng ta.
Thứ ba: Trong quả vải, đặc biệt là vải thiều có chứa flavones, quercitin và kaemferol, đây là những hợp chất mạnh giúp chống lại sự phát triển các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư vú ở phụ nữ. Đồng thời vải thiều còn có tác dụng dụng tiêu sưng, giải độc, cầm máu, giảm đau...
Thứ tư: Vitamin trong vải có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông máu của các mạch máu li ti, giữ vững sự liên kết các sợi collagen trong da, ngăn ngừa sự xuất hiện của nám, tàn nhang, giúp da mịn màng và săn chắc hơn.
Thứ năm: Các chất xơ hòa tan có trong vải giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, đào thải các độc tố trong dạ dày, cải thiện vị giác, làm sạch đường ruột, giảm triệu chứng nóng rát ở dạ dày.
Những điều kiêng kỵ khi ăn vải tránh gây hại cho cơ thể
Không được ăn vải khi bụng đang đói
Lượng đường khá cao trong vải sẽ không tốt khi bạn đang trong tình trạng đói bụng. Lúc này, lượng đường sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày của bạn co bóp khi rỗng, dẫn đến hiện tượng đau, đầy hơi. Từ đó góp phần làm gia tăng các cơn đau dạ dày trong bạn. Bên cạnh đó khi bụng đang đói mà bạn không từ chối được sự hấp dẫn của vải còn khiến bạn dễ mất cân bằng dinh dưỡng, dẫn đến bủn rủn tay chân, mất sức tạm thời.
Không được ăn nhiều vải
Bởi vì khi ăn nhiều vải rất dễ gây hạ đường huyết đột ngột, xuất hiện tình trạng chóng mặt, khát nước, vã mồ hôi, đau bụngbuồn nôn...Một số trường hợp nặng có thể gây hôn mê, co giật, loạn nhịp tim rất nguy hiểm. Trong y học gọi là hiện tượng ngộ độc vải thiều cấp tính. Đặc biệt không tốt với người có thể trạng yếu, huyết áp thấp.
Bệnh nhân đái tháo đường nên cẩn thận khi ăn vải
Trong cùi quả vải chứa hàm lượng lớn đường glucose, nếu lỡ ăn nhiều vải tươi vào một lúc có thể khiến lượng lớn đường glucose trong máu vượt quá khả năng hấp thu, chuyển hóa của gan. Khi lượng đường glucoza tăng đột biến, rất dễ làm tăng đường huyết nhanh, không có lợi cho người bệnh tiểu đường. Vì vậy, vải không phải là hoa quả được ưu tiên cho người bệnh đái tháo đường, đặc biệt là phụ nữ mang thai mà bị mắc tiểu đường.
Hạn chế ăn vải khi họng có đờm, người đang bị thủy đậu, mụn nhọt, rôm sảy, lẹo mắt, cảm cúm...
Vải là loại hoa quả nổi tiếng có đặc tính nóng, vì vậy khi cơ thể đang bị nóng trong nếu tiếp tục ăn vải sẽ khiến mụn, các vết ban đỏ xuất hiện, làm cho các triệu chứng trên lâu khỏi.
Bí quyết ăn vải đảm bảo vừa ngon, vừa khỏe
Thứ nhất: Nên ăn cả phần vỏ trắng và phần cùi trắng ở đầu quả vải
Lớp màng trắng bao quanh thịt vải có vị hơi chát nên thường không được yêu thích. Tuy nhiên, khi ăn nó bạn sẽ giảm thiểu khả năng bị sinh hỏa và tránh bị nhiệt.
Thứ hai: Ngâm vải trong nước muối loãng khoảng 20 đến 30 phút trước khi ăn
Cách này nghe lạ và phiền phức, nhưng nó giúp bạn vừa đảm bảo sạch, vừa hạn chế phát nhiệt đấy nhé.
Phần bốn: Cách xử lý khi bị ngộ độc vải
Rất đơn giản, nếu lỡ may bạn bị hạ đường huyết khi ăn vải, khiến bạn rơi vào trạng thái bủn rủn chân tay, cảm giác buồn nôn... Những lúc như thế này bạn thật bình tĩnh, hãy uống một ly nước đường loãng, triệu chứng say vải sẽ qua đi rất nhanh.