Trả lời báo chí sáng 28/8, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch bệnh do vi rút Ebola gây ra diễn biến ngày càng phức tạp. Cụ thể, tại Congo đã xuất hiện một ổ dịch mới, ổ dịch này không phải lây lan từ các nước Tây Phi. Ca bệnh đầu tiên ở Congo là một phụ nữ mang thai xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy, nôn, tiểu ra máu. Bệnh nhân này tử vong ngày 11/8. Được biết, chồng của thai phụ chế biến thịt thú rừng và đã tử vong trước đó.
“Vì tục mai táng tại địa phương này không cho phép chôn cất phụ nữ cùng với thai nhi, nên bác sĩ phải mổ để tách thai nhi ra khỏi thi thể người mẹ, sau đó mới có thể chôn cất. Đáng tiếc, 2 bác sĩ và 2 y tá phẫu thuật cho người phụ nữ này đã bị nhiễm vi rút Ebola”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói.
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Bộ Y tế cũng cho biết, các trường hợp tử vong khác do Ebola được ghi nhận đều có liên quan đến việc chế biến thịt thú rừng, sau đó, người bị nhiễm vi rút Ebola lại lây sang người khác trong gia đình và những người xung quanh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng virus Ebola có nguồn gốc từ dơi ăn quả và linh trưởng. Con dơi ăn quả được cho là "hồ chứa tự nhiên" của Ebola. Virus Ebola có thể sống trong dơi nhiều năm mà không làm hại gì loài này.
Dơi ăn quả và bỏ dở sẽ để lại virus trong nước bọt nó ở trên quả. Linh trưởng hay các loài khác ăn trái cây này sẽ nhiễm virus và bị bệnh.Khi con người ăn thịt những con thú được chế biến không đúng cách, sẽ bị lây bệnh.
Một kịch bản được các nhà khoa học đưa ra là, một con vật bị nhiễm bệnh được xẻ thịt và máu thấm vào vết cắt trên bàn tay của thợ săn. Người này mắc bệnh và truyền virus sang cộng đồng.
Một cách lây khác là lây trực tiếp virus Ebola từ dơi và linh trưởng. Hai loài này là thức ăn phổ biến ăn hàng ngày ở châu Phi. Khả năng nữa khi virus Ebola lây sang người là dơi được nhốt gần cầy hương. Cầy hương lây virus từ dơi, sau đó, con người ăn thịt cầy hương nên mắc bệnh.
Nhân viên y tế đang mai táng bệnh nhân tử vong vì Ebola. |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến thời điểm hiện tại, cả thế giới ghi nhận 2.615 trường hợp mắc Ebola, trong đó có 1.427 trường hợp tử vong, ghi nhận hơn 225 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh này, trong đó có 130 người tử vong.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bênh Ebola, một số quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ở Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện người nhiễm vi rút Ebola. Tuy nhiên, để sẵn sàng đối phó với dịch bênh nguy hiểm này, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ngay tại các của khẩu quốc tế để sớm phát hiện các trường hợp mang dịch bệnh xâm nhập và không để lây lan tại cộng đồng thông qua việc khai báo y tế từ ngày 15/8, tại tất cả các cửa khẩu đường bộ, biển và hàng không.
Bộ Y tế cũng thường xuyên liên hệ với người nhập cảnh để theo dõi, giám sát tình trạng sức khỏe của họ, đến nay toàn bộ 128 trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch chưa có biểu hiện các triệu chứng nhiễm vi rút Ebola.