Các lễ vật dâng cúng trong tiết Thanh minh

10:21, Thứ bảy 04/04/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Các lễ trong dịp Thanh minh gồm lễ gia thần, gia tiên tại nhà và lễ âm phần long mạch tại nơi đặt phần mộ.

Theo quy ước, tiết thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 dương lịch. Năm nay, Tết Thanh minh sẽ rơi vào ngày 5/4 (nhằm ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch năm Giáp Ngọ) và kéo dài đến ngày 19/4/2014 (nhằm ngày 20/3 âm lịch).

Cúng ở mộ tổ trước

Với các nhà tâm linh, Thanh minh vừa là dịp lễ, vừa là ngày mặt trời ở vị trí hoàng đạo, may mắn và người dân đi tảo mộ, tu chỉnh lại mộ phần tổ tiên với đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn. Với nhiều gia đình, lễ tảo mộ là dịp con cháu sum họp để thực hiện trách nhiệm, sự tận nghĩa, hiếu hạnh, thành kính với tổ tiên.

tet thanh minh
Với nhiều gia đình, lễ tảo mộ là dịp con cháu sum họp để thực hiện trách nhiệm, sự tận nghĩa, hiếu hạnh, thành kính với tổ tiên.

Trong gia tộc, phụ lão đi trước mang vàng hương, thanh niên đi sau đội mâm lễ, rồi thứ tự người già, trưởng nam, trưởng nữ, con cháu ruột nội ngoại, dâu rể. Người lớn thắp hương, sửa sang mộ phần, dâng hương hoa, vàng, nến…Con trẻ cũng theo đi tảo mộ để biết về gia tiên, dòng tộc. Phẩm vật cúng lễ tuy “tay xách, nách mang” nhưng không được thuê người giúp để thể hiện lòng thành với tiên tổ. Sau khi dâng hương tổ tiên, mọi người sẽ đi dâng hương một vòng những ngôi mộ không có người tới thăm, thể hiện tâm đức của người đang sống với người đã khuất.

Thượng tọa Thích Thanh Duệ (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) hướng dẫn trong Văn khấn Việt Nam: Lễ cúng trong tiết Thanh minh gồm: Nước, hương đèn, trầu cau, tiền vàng, hoa quả... Khi đến nghĩa trang (hay khu vực mộ phần tổ tiên), gia chủ đặt lễ vào chỗ thờ chung, sau đó thắp hương, đèn vái các vị thần linh, thổ địa rồi khấn cầu cho vong linh được an nhàn yên ổn, siêu thoát, độ trì cho con cháu mạnh khỏe an bình, bốn mùa không tật ách, tám tiết hưởng thanh bình.

Khi đến mộ phần, gia chủ đặt lễ vào am (nơi cúng chung), nếu không có thì dùng đôn (ghế) đặt lễ vật. Dân gian thường có 2 lễ: Một lễ quan niệm cúng sơn thần, thổ địa… cai quản để xin quan thần linh thổ địa cho phép tảo mộ, chăm chút, phát quang, sửa sang, bồi thổ phần mộ và độ cho vong linh được yên ổn, siêu thoát.

Theo ông Đặng Nam, Trung tâm UNESCO cổ học Phương Đông, các phần mộ nhiều khi cách xa, thăm viếng trọn vẹn mất cả ngày, cả tuần. Nhưng nếu đã đi cúng tại mộ phần thì phải thăm mộ tổ trước, rồi mới tới các mộ kế cận. Đứng lễ cúng tế nếu là họ tộc thì người già nhất họ sẽ dâng hương, cúng tế, rồi mới tới con cháu đồng tâm khấn vái. Nếu là gia đình thì trưởng nam dâng hương. Đợi hết 2/3 hương thì hóa vàng, hạ lễ và thụ lộc.

Nếu không có điều kiện đi tới các phần mộ thì có thể cúng Thanh minh tại nhà, hoặc nhà thờ họ rồi chia lộc cho con cháu để thể hiện tình cảm ruột rà, tình nghĩa. “Thanh minh như một ngày giỗ chung của mọi nhà nhằm báo hiếu trả nghĩa người quá cố. Dù đi làm ăn xa ai cũng cố về chăm sóc sinh phần tổ tiên, là dịp cha chú ôn chuyện xưa, dạy bảo con cháu, dâu rể biết về mộ phần, tên tuổi, vai vế của tổ tiên, về dòng họ phụng thờ. Với nhiều gia tộc, việc tảo mộ quy định rõ trong gia phả, cứ đúng ngày là con cháu phải về phụng sự, như sợi dây vô hình nối kết dòng họ”, ông Trịnh Yên cho biết.

Theo Đại đức Thích Quảng Định trong sách Văn khấn nôm tại nhà – tập văn cúng gia tiên, lễ vật trong ngày thanh minh gồm: hương đèn, trầu cau, tiền vàng, rượu, thịt (chân giò, gà luộc hoặc là khoanh giò nạc độ vài lạng).

Bắt đầu vào lễ, gia chủ thắp hương, đèn và khấn theo bài cúng lễ Thanh minh. Sau đó, trong lúc chờ hương tàn thì gia chủ đi đến phần mộ của gia tiên thắp hương và khấn gia tiên để xin phép tu sửa, dọn dẹp cho phần mộ. Lưu ý là số nén hương thì thắp số lẻ (1 hoặc 3 nén) vì số lẻ tượng trưng cho cõi âm còn đèn thì mang theo hai đèn hoặc 2 cây nến vì thắp lên, 2 ngọn đèn tượng trưng cho 2 vầng nhật nguyệt.

Sau khi hoàn tất các việc, gia chủ chờ cho hương cháy được khoảng 2/3 thì lễ tạ , hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Nếu gia chủ viết bài cúng ra giấy thì đọc xong đem hóa cùng tờ tiền giấy vàng.  

Việc cúng gia tiên trong tiết thanh minh cũng tuân theo thể thức cúng gia tiên thông thường. Thể thức này, theo sách Phong tục thờ cúng của người Việt thì có những nguyên tắc chung là: dâng hương lễ gia thần trước, gia tiên sau.

Các vật phẩm dâng hương có thể là lễ chay hoặc lễ mặn (các gia đình thờ Phật thì chỉ dâng lễ chay). Các lễ vật gồm: hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng. Lễ vật đặt trên bàn có thể chung nhưng nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương cả. Số hương trong từng bát cũng là những số lẻ (1 hoặc 3 nén). Sau khi hương cháy gần hết thì gia chủ lại thắp thêm một tuần hương nữa rồi xin phép tổ tiên hóa vàng. Tiền vàng khi đã cháy thành tro thì lấy một chén rượu cúng rẩy vào đám tro đó.

Trong khi hành lễ cúng gia thần, gia tiên đều có hai hình thức là vái và lễ. Vái thì các ngón tay đan vào nhau còn lễ thì hai bàn tay áp vào nhau và đều đặt ở ngang trước ngực. Vái hay lễ đều chỉ được thực hiện sau khi lễ vật đã đặt lên bàn thờ và đèn nhang đã thắp. Người làm lễ sau khi đã châm lửa, kính cẩn dùng hai tay dâng các nén hương ở vị trí ngang chán, vái ba vái rồi mới cắm hương vào bát hương.

Sau đó người lễ khấn theo bài cúng gia tiên. Khấn xong vái ba vái rồi chờ hương cháy gần hết mới hóa vàng.

Về vấn đề lễ chay hay lễ mặn, ngày nay có những quan niệm khuyên nên cúng bằng lễ chay vì như vậy là không sát sinh nên vong hồn tổ tiên dễ siêu thoát. Lễ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong.

Nên và không nên trong cúng Thanh minh

Theo ông Đặng Nam, Trung tâm UNESCO cổ học Phương Đông, trong cúng Thanh minh, các gia chủ lưu ý một số điều sau:

Nên:

Cúng Thanh minh bằng lễ chay, không nên làm lễ mặn bởi quan niệm được ăn chay, niệm Phật mới dễ siêu thoát. 

Nên sắm lễ chay với: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong.

Khi tảo mộ, nếu là mộ xây thì xin phép được bao sái mộ chí, sơn vẽ, tu sửa phần bị hư hỏng. Với mộ đất thì xin phép rẫy cỏ, đắp đất tôn cao…với tâm nguyện để mộ phát gia tộc mới thịnh vượng. Lưu ý: sơn, giấy, hoa ở mộ thường chọn màu đỏ để khu mộ vượng khí, đẹp và có tài lộc.

Ngoài mộ phần thân quyến, nên thắp hương cả những ngôi mộ vô chủ, hoặc gần đó.

Không nên:

Tiết Thanh minh không nên mời thầy pháp, thầy chùa theo cúng lễ sinh tốn kém. Chỉ gia đình, họ tộc tự đi tảo mộ, tự khấn vái là được.

7 mẹo phong thủy để giúp con ngoan, học giỏi
7 mẹo phong thủy để giúp con ngoan, học giỏi
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Một số mẹo phong thủy dưới đây sẽ góp phần giúp con bạn ngoan ngoãn và có kết quả học tập tốt.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Nguyễn Trà Mi