Vì sao không thể xóa sổ Covid-19?
Giới khoa học cho rằng việc các nước từ bỏ mục tiêu Zero Covid đã thể hiện thực tế rằng đại dịch sẽ không biến mất. Rất khó để xóa sổ một bệnh truyền nhiễm và đậu mùa là căn bệnh duy nhất Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đã bị diệt trừ cho đến nay.
Qua thời gian, đại dịch thường trở thành bệnh đặc hữu (endemic), như cúm. Các vi rút gây bệnh đặc hữu lây lan liên tục và vẫn gây tử vong nhưng không làm gián đoạn hoạt động xã hội. Đây là tương lai của đại dịch Covid-19, theo cựu quan chức Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb. Bà Thạch Chính Lệ, Phó giám đốc Viện Vi rút học Vũ Hán (Trung Quốc), cũng cho rằng chúng ta phải chung sống lâu dài với Covid-19.
Hầu hết các quốc gia đều nhất trí rằng chúng ta sẽ phải sống chung với virus trong khi ngăn chặn các ca bệnh nặng và ca tử vong qua chiến lược tiêm vaccine diện rộng.
Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây đã nhận định rằng còn nhiều điều chúng ta không hiểu về virus này.
Không nói riêng gì virus SARS-CoV-2, những gì chúng ta biết về quá trình tiến hóa của các loại vi sinh vật khác khiến chúng ta nên tránh việc đưa ra những khẩu hiệu tuyên chiến như xóa sổ virus.
Xóa sổ virus SARS-CoV-2 là một tham vọng hoàn toàn phi thực tế, đặc biệt khi một loại virus về hô hấp bắt đầu lan nhanh và rộng. Những điều đó rõ ràng cho thấy chiến lược chiến thắng duy nhất là phải bảo vệ người dân khỏi các triệu chứng nặng qua chiến dịch tiêm vaccine và sử dụng các biện pháp đã được kiểm chứng để ngăn chặn sự lây nhiễm cho tới khi chúng ta có thể tiêm vaccine cho phần lớn dân số. Bằng cách làm như vậy, chúng ta sẽ hướng đến việc biến virus trở nên ít nguy hiểm hơn thậm chí cả khi nó vẫn tiếp tục hiện diện trên thế giới.
Các quốc gia trên thế giới đang sống chung với virus ra sao?
Singapore
Singapore đã quyết định từ bỏ giấc mơ Không Covid mà thay vào đó sẽ học cách "sống chung với virus", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định ngày 29/8, mặc dù Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới với 80% người trưởng thành đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Singapore đã thể hiện ấn tượng trong suốt cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khi ghi nhận 67.000 ca mắc từ khi đại dịch bùng phát nhưng chỉ có 55 ca tử vong.Theo tờ The Strait Times, từ ngày 19/8, doanh nghiệp Singapore sẽ có 50% nhân viên được quay lại văn phòng. Các sự kiện như hòa nhạc, hội nghị, thi đấu thể thao, rạp chiếu phim cũng được đón đến 1.000 khách nếu toàn bộ người tham gia đã tiêm vắc xin. Động thái này nằm trong kế hoạch 4 giai đoạn nhằm hướng tới việc trở thành quốc gia có khả năng chống chịu với Covid-19 của Singapore.
Nhiều tháng trước, Singapore vẫn còn áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để đưa số ca nhiễm mới xuống gần mức 0 nhất có thể (Zero Covid). Trong bối cảnh cuộc chiến chống Covid-19 không có dấu hiệu kết thúc và gây sụt giảm kinh tế, đất nước này đã thay đổi giải pháp của mình.
Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định, chính phủ của ông sẽ không từ bỏ việc ngăn chặn virus nhưng nước này sẽ từ bỏ mô hình Không Covid.
"Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ thực hiện từng bước một. Không phải một bước chuyển đột ngột như một vài quốc gia mà sẽ thận trọng và dần dần tiến về phía trước".
Ấn Độ
Khi các bang ở Ấn Độ tăng cường các cơ sở hạ tầng y tế để chuẩn bị cho làn sóng Covid-19 thứ ba sắp đến, Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO cho rằng, Ấn Độ có lẽ đang bước vào "giai đoạn lây nhiễm mang tính địa phương, khi mà sự lây nhiễm ở mức thấp hoặc mức trung bình và chúng ta sẽ không chứng kiến sự gia tăng số ca mắc theo cấp số nhân hay đạt đỉnh như cách đây một vài tháng".
Giai đoạn lây nhiễm cục bộ là khi đa phần dân số đã học được cách sống chung với virus. Nó rất khác với giai đoạn đại dịch khi virus lan tràn và áp đảo với toàn bộ dân số.
Theo CDC, bệnh đặc hữu (endemic) được định nghĩa là bệnh xuất hiện và thường lây lan trong dân số ở một khu vực địa lý nhất định. Một số bệnh được đưa vào loại này là thủy đậu và sốt rét.
Phần lớn các chuyên gia cho rằng virus SARS-CoV-2 sẽ tuân theo quá trình tiến hóa tự nhiên của virus khi cuối cùng sẽ trở thành bệnh đặc hữu.
"Chúng ta không thể hy vọng sẽ loại bỏ hay xóa sổ virus nhưng khi nó trở thành bệnh đặc hữu, chúng ta có thể sống chung với nó", chuyên gia Swaminathan cho hay.
Số ca mắc hàng ngày ở Ấn Độ đang có chiều hướng giảm nhưng vẫn cần theo dõi và thận trọng. Dù vậy, người ta hy vọng rằng khi ngày càng nhiều người được tiêm vaccine hoặc phát triển miễn dịch tự nhiên, số ca mắc hàng ngày sẽ trở nên ổn định trong khi số ca tử vong và số ca bệnh nặng sẽ trở nên hiếm hoi hơn.
Đức
Từ tuần này cho phép người đã chủng ngừa, khỏi bệnh Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính đi đến nhà hàng, bệnh viện hoặc các địa điểm trong nhà. Nước này cũng bắt buộc (kể cả người đã chủng ngừa) đeo khẩu trang trong không gian kín và trên phương tiện công cộng.
Pháp và Ý
Tại Pháp và Ý, giấy chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 hay xét nghiệm âm tính là điều kiện tiên quyết để người dân tham gia các hoạt động thường ngày.Chính phủ Ý buộc mọi người phải có “hộ chiếu xanh” mới được dự các sự kiện lớn, ăn tối trong nhà hàng, đến phòng tập thể hình và nhiều hoạt động khác.Hộ chiếu xanh căn bản là tài liệu kỹ thuật số hoặc in, xác nhận rằng người sở hữu đã xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã phục hồi sau khi nhiễm Covid-19.
Các chủ nhà hàng Pháp có nguy cơ bị phạt tới 10.600 USD và 1 năm tù nếu không kiểm tra giấy thông hành Covid-19 của thực khách.