Cho trẻ ngồi đúng tư thế
Trong khi học, trẻ có thể ngồi các tư thế sai lệch như: Đầu và thân trên cong về phía trước hoặc nghiêng sang một bên... Từ đó, trẻ bị khó chịu, căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình học tập, làm việc, gây đau nhức ở cổ và vai, mỏi mắt, kích ứng mắt, mờ mắt, khô mắt và nhức đầu. Nếu quá trình đó kéo dài có khả năng dẫn đến các chấn thương cơ xương liên quan đến tư thế làm việc không hợp lý.
Vì vậy, phụ huynh cần chú ý tư thế ngồi học của trẻ. Trẻ nên được ngồi ghế và bàn học có thể điều chỉnh độ cao, ghế tựa lưng. Đầu và lưng cần thẳng, không nghiêng hoặc cúi, vai xuôi, chân hơi duỗi tạo góc giữa cẳng chân.
Nên cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý
Mặc dù có tư thế ngồi đúng và vị trí màn hình phù hợp, trẻ vẫn có thể bị ảnh hưởng sức khỏe do thường xuyên ngồi quá lâu. Trong điều kiện bình thường, tần suất chớp mắt trung bình khoảng 15-20 lần một phút, sau đó giảm xuống còn 5-7 lần/phút khi làm việc với màn hình máy tính và các thiết bị điện tử, dẫn tới khô mắt. Do đó, trẻ em và những người thường xuyên phải làm việc với máy tính cần tập thói quen nghỉ ngơi sau một thời gian học tập, làm việc.
Ngoài ra, trẻ cũng không nên học liên tục với máy tính quá lâu, hãy nhắc trẻ đứng dậy và nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút, có thể tập một vài động tác thể dục hoặc đi bộ để thư giãn cơ thể. Trẻ em và người lớn cũng cần nghỉ ngơi ít nhất 5 phút sau nửa giờ làm việc.
Đáo ưng đủ điều kiện ánh sáng
Khi học trong môi trường thiếu sáng, mắt của trẻ phải điều tiết nhiều, nhanh mệt mỏi, dễ bị rối loạn về thị giác. Nếu đèn quá sáng, trẻ sẽ khó sử dụng màn hình để học do bị ánh sáng che lấp, gây lóa. Nên điều chỉnh độ sáng và độ tương phản màn hình sao cho font chữ, hình ảnh trên màn hình dễ nhìn nhất. Không nên chỉnh độ sáng màn hình quá cao, dẫn đến chói mắt và nhức mắt khi học.
Bổ sung dinh dưỡng cho bé
Nên bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, B, C, D, E và các yếu tố vi lượng như kẽm sẽ giúp cho mắt thêm sáng. Ví dụ, vitamin A trong các loại rau, quả màu đỏ như cà rốt, cà chua; vitamin C có nhiều trong cam, chanh, ổi; vitamin B trong thịt gà, cá hồi, trứng, sữa, đậu, súp lơ...