Cách đơn giản để phát hiện con bạn có nghiện tem giấy hay không?

( PHUNUTODAY ) - Sau đây sẽ là những dấu hiệu căn bản để nhận biết con có chơi "tem giấy" hay còn gọi là 'bùa lưỡi' hay không?

Gần đây, trên địa bàn các trường học ở một số thành phố lớn có xuất hiện một loại ma túy mới có tên là “tem giấy” hay còn gọi là “bùa lưỡi”. Loại ma túy này có giá thành rẻ và cách sử dụng dễ dàng vì thế nó đang được nhiều học sinh ưa chuộng.

Theo đó, tem giấy thực chất là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide), là chất bán tổng hợp được chiết xuất từ nấm cựa gà. Đây là chất gây ảo giác mạnh nhất cho đến nay, chỉ vài chục microgam là có thể gây ảo giác nên được xem chất ma túy nguy hiểm nhất. Nó được “tung ra” dưới hình thức được tẩm vào những miếng giấy nhỏ (như con tem, kích thước 1,5x1,5cm), in hình ngộ nghĩnh, nhân vật nổi tiếng.

Điều đáng báo động hiện nay là “tem giấy” có giá khá rẻ và việc mua bán loại ma túy này diễn ra công khai. Mỗi miếng nhỏ “tem giấy” chỉ khoảng 20.000 đồng và chỉ cần vào mạng xã hội có thể tìm được khá nhiều “mối” bán. Thế nên, giới trẻ, thậm chí học sinh cấp 2 rất dễ tiếp cận. Đặc biệt nguy hiểm, hiện các test nhanh không phát hiện loại ma túy này khi kiểm tra.

Sau khi liếm, ngậm “tem”, chất LSD sẽ đi vào cơ thể và có thời gian gây tác động kéo dài đến 12 giờ.

tem giay - phunutoday

Tem giấy thực chất là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Ảnh: Indiatoday).

Bác sĩ chuyên khoa cấp 2 Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, tem giấy chứa chất LSD ((Lysergic Axit Diethylamide) hay gọi “bùa lưỡi”, thực chất là chất chậm nghiện. Người sử dụng có thể chết trước khi nghiện, bởi những ảnh hưởng từ ảo giác do chất này gây ra.

Hiện tại trên thế giới, chất LSD trong tem giấy gây ảo giác mạnh nhất trong các loại ma tuý nên công ước Liên Hợp Quốc (năm 1958) cấm sử dụng trong lĩnh vực dược và y tế. LSD đã từng cấm sản xuất những năm 1970, gần đây xuất hiện lại và du nhập vào Việt Nam.

nhieu ng dung - phunutoday

 Hiện nay tem giấy đang được rất nhiều học sinh ưa chuộng (Ảnh: T. H).

Để biết con có chơi 'bùa lưỡi' hay không, phụ huynh nên dựa vào những dấu hiệu căn bản dưới đây:

Giãn đồng tử

Sử dụng LSD có thể khiến đồng tử của mắt giãn rộng ra, đặc biệt khi ở ngoài ánh sáng. Vì LSD có thể khiến người dùng nhạy cảm hơn với ánh sáng.

Không làm chủ ngôn ngữ

Nói líu lưỡi có thể là dấu hiệu cảnh báo con bạn nghiện LSD. Lạm dụng LSD có thể khiến người dùng nói những câu, từ ngữ vô nghĩa. Họ nói lan man, không diễn đạt những câu mạch lạc, dễ hiểu.

Mất phương hướng

Người sử dụng LSD có thể không biết về nơi họ đang ở. Họ sẽ cảm thấy bối rối và khó xác định được phương hướng, nơi cần đến.

Đổ mồ hôi

Trong một số trường hợp, những thay đổi của cơ thể khi sử dụng LSD có thể dẫn đến quá trình trao đổi chất cao, khiến người dùng bị đổ mồ hôi.

Thay đổi tính tình

LSD khiến người dùng cảm nhận được nhiều cảm xúc khác nhau cùng một lúc hoặc nhanh chóng. Điều này dẫn đến thay đổi tâm trạng khá rõ rệt.

Hành vi thất thường

LSD gây ra ảo giác cho người dùng khiến họ làm những điều không thể đoán trước hoặc nguy hiểm. Ngoài ra, họ không thể nhận thức được đầy đủ về hành vi của mình và hậu quả của chúng.

Lo lắng

Một số người sử dụng LSD có dấu hiệu gia tăng sự lo lắng, phản ứng hoảng loạn hoặc sợ hãi. Chứng hoang tưởng cũng là dấu hiệu của người nghiện LSD.

Để ý đến đồ dùng của con

Ngoài tem giấy, LSD còn có dạng gelatin hoặc dạng đường. Nếu bạn thấy xung quanh phòng ngủ, bàn học... của con có nhiều túi gelatin hoặc khối đường nhỏ, đó có thể là dấu hiệu con bạn đã nghiện LSD.

Ngoài ra, phụ huynh cần giáo dục cho con trẻ nhận biết để tránh xa những cuộc chơi mang tính nghiện ngập vì hầu hết các tình trạng nghiện ngập đều bắt đầu từ những cuộc chơi và sự rủ rê, cộng với bản tính tò mò “thử cho biết” của tuổi mới lớn. Đồng thời phải quan tâm tới con trẻ thật kỹ. Nhận biết những thay đổi tâm sinh lý, biểu hiện của con để sớm phát hiện và can thiệp.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn