Cách chọn vịt ngon
Chọn vịt là một khâu quan trọng. Nếu chọn được con vịt ngon, việc chế biến sẽ dễ dàng hơn và món ăn cũng hấp dẫn hơn.
Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ lâu năm, tốt nhất là nên chọn vịt đực trưởng thành, không quá non cũng không quá già. Thịt vịt như vậy sẽ thơm ngon, chắc, không bị nhão. Vịt trưởng thành cũng ít lông măng và dễ làm sạch hơn.
Không nên chọn vịt già vì thịt sẽ bị dai, bị bã không thơm ngon. Những con vịt già sẽ có phần mỏ nhỏ và cứng.
Để xác định đâu là vịt đực trưởng thành, bạn hãy quan sát những đặc điểm sau:
- Mông vịt đực nhỏ hơn mông vịt cái.
- Vịt đực sẽ có tiếng kêu to, hơi khàn, mắt trong và có màu nâu nhạt.
- Vịt non thường có phần thân nhỏ, lông cánh thưa, mỏ to và mềm.
Cách làm sạch vịt
Sử dụng giấm và rượu trắng
Giấm và rượu trắng sẽ giúp bạn vặt lông vịt nhanh hơn và khử mùi hiệu quả hơn.
Sau khi cắt tiết vịt, bạn hãy nhúng con vịt vào chậu nước lạnh để nước ngấm đều khắp phần lông vịt.
Tiếp theo, hãy vớt vị ra và tưới một ít giấm hoặc rượu trắng lên toàn bộ phần lông và để khoảng 10 phút. Đây là bí quyết giúp làm sạch lông vịt dễ dàng hơn.
Chuẩn bị một nồi nước nóng khoảng 80 độ C rồi nhúng vịt vào đó. Lưu ý, không nhúng vịt vào nồi nước sôi vì nó có thể khiến phần da vịt bị chín và khó nhổ sạch lông hơn. Vì vậy, khi nhổ lông vịt, bạn chỉ cần dùng nước ấm là được. Hãy dùng tay miết xuống sát da và xuôi theo chiều lông mọc để nhổ sạch cả phần lông tơ.
Sau khi làm sạch lông vịt, hãy lấy muối trắng và gừng dập dập thoa đều khắp con vịt để làm sạch, khử mùi. Rửa lại vịt bằng nước sạch nhiều lần cho hết mùi hôi.
Dùng lá đu đủ
Lá đu đủ vò nát rồi cho vào nồi nước và đun sôi.
Vịt sau khi cắt tiết đem nhúng qua nước lạnh cho ướt hết phần lông.
Vớt vịt ra, rưới rượu trắng hoặc giấm gạo lên trên và để khoảng 10 phút.
Sau đó, nhúng vịt vào nồi nước lá đu đủ. Nhúng vài phút, khi thấy lông ở cánh dễ dàng nhổ ra thì vớt vịt ra và làm lông như bình thường.
Với cách này, phần lông tơ của con vịt cũng sẽ được làm sạch một cách dễ dàng.
Vịt non sẽ có nhiều lông măng, khó nhổ hơn so với vịt trưởng thành. Vì vậy, nếu mua được con vịt trưởng thành, bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để làm sạch phần lông.
Khử mùi hôi của vịt
Vịt thường có mùi hôi khó chịu mà nguyên nhân chính là do phần phao câu, nơi tập trung tuyến nhờn của vịt. Sau khi nhổ lông, làm sạch phần nội tạng của con vịt, bạn nên cắt bỏ phần phao câu. Nếu muốn giữ lại phần này, bạn hãy cắt bỏ cục hôi màu vàng phía trên phao câu.
Để khử mùi hôi của vịt, bạn có thể sử dụng giấm và muối. Chỉ cần thoa hai nguyên liệu này lên khắp bên ngoài da và trong bụng con vịt rồi rửa lại với nước sạch.
Bạn cũng có thể sử dụng chanh tươi hoặc gừng đập dập để thoa lên con vịt giúp làm sạch và khử mùi hôi. Nếu làm món vịt luộc, bạn nên luộc vịt trong nồi nước có thêm các loại gia vị như gừng, sả để khử mùi hôi và giúp món ăn hấp dẫn hơn. Để vịt mềm và không bị thâm đen, sau khi luộc, bạn nên vớt vịt ra và ngâm vào bát nước lạnh có pha chút giấm hoặc chanh.
Với các món vịt kho, vịt nước, vịt om, bạn cũng cần chọn loại gia vị phù hợp để khử mùi hôi và giúp thịt vịt thơm ngon hơn.