Số CCCD gắn chip chính là số định danh cá nhân chứa đựng thông tin được mã hoá của mỗi người. Một dãy số gồm 12 số được sắp xếp có quy tắc và không khó để học thuộc nếu bạn nắm được ý nghĩa của những chữ số đó.
Ý nghĩa của những con số trong thẻ CCCD
Theo Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP, dãy số này gồm 12 số, có cấu trúc gồm 06 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 06 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Điều 7 Thông tư 07/2016/TT-BCA hướng dẫn về ý nghĩa của từng chữ số này như sau:
- 03 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh
- 01 chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân
- 02 chữ số tiếp theo là mã năm sinh của công dân
- 06 chữ số cuối là khoảng số ngẫu nhiên
Trong đó:
- Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân khai sinh có các mã từ 001 đến 0096 (tương ứng với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Cụ thể như sau: Hà Nội: 001, Hà Giang: 002, Cao Bằng: 004, Hồ Chí Minh: 079, Long An: 080…
- Mã thế kỷ và mã giới tính được quy ước như sau:
+ Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1;
+ Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3;
+ Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5;
+ Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7;
+ Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9.
- Mã năm sinh là hai số cuối trong năm sinh của công dân.
Ví dụ:
Số căn cước công dân là 037153000257 thì:
- 037 là mã tỉnh Ninh Bình;
- 1 thể hiện giới tính nữ, sinh tại thế kỷ 20;
- 53 thể hiện công dân sinh năm 1953;
- 000257 là dãy số ngẫu nhiên.
Nếu số CCCD là 001215000001 thì:
- 001 là mã thành phố Hà Nội;
- 2 thể hiện giới tính nam, sinh thế kỷ 21;
- 15 thể hiện năm sinh là 2015 sinh năm 2015;
- 000001 là dãy số ngẫu nhiên.
Như vậy, khi hiểu ý nghĩa của 12 số trên CCCD gắn chip, bạn sẽ dễ dàng nhớ được dãy số này.
Thủ tục làm Căn cước công dân khá đơn giản
Để làm Căn cước công dân, công dân cần điền vào Tờ khai làm Căn cước công dân gắn chip. Nếu thông tin của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cán bộ Công an so sánh thông tin Tờ khai với Cơ sở dữ liệu này. Nếu chính xác sẽ tiếp hành chụp ảnh, lăn tay… Nếu thông tin chưa chính xác, công dân cung cấp các giấy tờ để cán bộ so sánh, đối chiếu…
Ngoài ra, hiện nay, người dân cũng có thể tiến hành làm Căn cước công ở bất cứ cơ quan nào dưới đây:
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
- Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.