Cách đây năm năm, chị Thanh Hải (Hà Nội) phát hiện rau sạch chị hay mua ở siêu thị và chợ là rau trà trộn, không đảm bảo an toàn nên chị và gia đình đã quyết tâm làm vườn trên sân thượng. Mùa nào thức nấy, chị Hải lựa chọn rất nhiều loại rau củ, quả để trồng trong vườn nhà. Khi bắt đầu tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng rau, mướp, các loại rau gia vị, củ quả thì gia đình chị Hải trồng nhiều hơn và gần như không phải mua rau ngoài chợ, đồng thời cũng không lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm nữa.
Hiện tại, chị Hải đang thu hoạch được rất nhiều mướp từ khu vườn xanh mát trên sân thượng. Đây là thành quả từ những hạt mướp chị gieo trồng hồi tháng ba. Chị cho biết, chị đem phơi khô hạt mướp rồi chờ tới tầm tháng 3 cuối xuân thì gieo hạt. Từ lúc gieo tới khi hạt nảy mầm, phải luôn đảm bảo đất có đủ nước, đủ độ ẩm cho cây.
Chị Hải khuyên rằng nên trồng mướp gần bể lọc nước hay chỗ có nhiều nước để các rễ phụ hút được nhiều nước nhất có thể. Ngoài ra, để có thể tạo ra “khu vườn treo” độc đáo trên sân nhà, chị Hải đã sử dụng những thanh thép đan theo hình lưới để làm giàn cho cây leo.
Khi cây leo lên giàn, chị Hải lấy than tro từ củi đốt bón thêm vào gốc để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Khi giàn mướp ra nhiều lá quá thì chị tỉa bớt lá để cây tập trung ra nhiều hoa. Vì giàn mướp phủ kín khu vườn rộng 100 mét vuông nên rất nhiều ong bướm đến thụ phấn. Nếu hoa cái ra nhiều quá thì chị Hải lại chủ động lấy hoa đực thụ phấn cho mướp chứ không chờ ong, bướm vì có thể hoa sẽ bị sót lại.
Do mướp là giống cây có bộ rễ to lớn nên rất cần nước để phát triển. Hiểu rõ điều đó, chị Hải trồng cây ở chỗ ẩm ướt và tưới rất nhiều nước (ngày trung bình 2 lần) để kích thích rễ con mọc ra hút nước. Có như vậy, cây mới sai quả.
Chị Hải cho biết mướp không chỉ ưa nước mà còn ưa nắng. Do vậy, nên trồng ở nơi đón ánh nắng trực tiếp. Cần phải trồng mướp vào mùa xuân để tới giữa hè và đầu thu có thể thu hoạch được quả. Ngoài ra, mướp thường bị bọ xít tấn công và để ngăn chặn chúng, chị Hải phải làm vợt lưới gạt bắt để bảo vệ cây. Vụ mùa lần này, 4 cây mướp nhà chị Hải cho ra cả trăm quả, cả gia đình ăn không hết nên chị phải đem biếu bớt.
Các công việc cần chuẩn bị để trồng cây bí đao như sau:
Bước 1: "Chọn mặt gửi vàng"
Để "mơ tưởng" được đến chuyện sở hữu một cây xanh rì, trái to cầm trĩu tay thì phải trải qua bước đầu tiên rất quan trọng là việc chọn hạt giống. Nên chọn những quả to, tròn đều, không sâu bệnh để lấy hạt. Bổ đôi quả bí đao và dùng thìa nạo hết phần thịt mềm có lẫn hạt ở giữa, hạt bí to nên việc tách tương đối đơn giản. Hạt quả bí đao có màu trắng đục, có hình bầu dục thuôn nhọn một đầu. Sau khi tách được hết hạt ta rửa sạch và phơi khô khoảng 2-3 nắng sau đó đem bảo quản ở nhiệt độ thoáng mát chờ thời điểm đem gieo.
Bước 2: Gieo "niềm tin" vào đất
Trước khi gieo hạt, để chắc ăn hơn thì nên ngâm hạt giống vào nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong vòng 5 tiếng sau đó vớt ra rửa sạch nhớt. Gói hạt giống lại rồi cho vào khăn ẩm bọc lại và ủ hạt cho đến khi nào hạt nứt nanh. Cách này sẽ giúp cho hạt ít bị hư hại và tăng tỷ lệ hạt giống nảy mầm.
Sau khi hạt nứt nanh, bạn đem gieo vào những khay chuyên dụng để hạt phát triển thành cây non. Đất cho vào khay bao gồm đất sạch, phân chuồng hoai mục và trấu hoặc xơ dừa. Không nên gieo quá sâu (chỉ khoảng 1,5cm) và chỉ tưới vừa ẩm cho hạt mọc. Khoảng 5 ngày hạt sẽ nảy mầm thành cây con.
Hạt giống từ 7 ngày trở đi sẽ phát triển rất nhanh. Chúng cần duy trì độ ẩm và ánh sáng mỗi ngày. Khi cây non có 1 - 2 lá thật thì đem trồng vào chậu hoặc vườn. Lúc này bạn cần loại bỏ những cây giống còi cọc, chọn lấy những cây giống khỏe mạnh.
Dùng đất thịt nhẹ tơi xốp để trồng các cây con. Sau khi cho cây con trồng ra chậu bạn nhớ bón lót cho cây một ít phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ nhẹ để cây thích nghi với điều kiện sống mới. Nên đặt chậu cây ở nơi có nhiều ánh sáng sẽ giúp cây quang hợp "quyết liệt". Tầm 2 tuần cây sẽ đạt chiều cao khoảng 20 cm và bắt đầu xuất hiện tua cuốn. Khi tua cuốn xuất hiện bạn cần làm giàn cho chúng leo.
Bước 3: Dựng giàn để dễ "uốn éo"
Cây bí đao có thể cho bò trên mặt đất hoặc leo giàn đều được. Nhưng để cho năng suất cao nhất mà lại vừa dễ chăm sóc thì nên làm giàn cho chúng leo. Giàn có thể làm bằng lưới mắt cáo hoặc bằng tre, khoảng cách giữa các cây làm giàn từ 0,5 đến 1m là thích hợp nhất. Cây bí đao sẽ bám giàn và leo rất nhanh nếu chăm sóc đúng cách. Dây bí trưởng thành dài từ 1,5 đến hơn 2m. Lúc này chúng bắt đầu ra hoa.
Bước 4: Đơm hoa kết trái
Sau khoảng 40 ngày sinh trưởng, khi thân dài 1,2 m thì bắt đầu ra hoa. Hoa cây bí đao là loại hoa đơn tính mọc ra ở chồi nách lá, khi nở có màu vàng năm cánh trông rất đẹp, thu hút khá nhiều ong bướm đến để thụ phấn. Tuy nhiên nếu trồng ở những nơi có ít côn trùng, bạn vẫn có thể tự thụ phấn cho cây được. Dùng que hoặc chổi nhỏ lấy phấn của hoa đực ở cây khác chấm lên hoa cái sẽ giúp cây thụ phấn và cho nhiều trái hơn. Chú ý thời kỳ ra hoa kết quả thì cây cần nhiều nước hơn bình thường.
Giai đoạn tiếp theo cũng là giai đoạn được mong chờ nhất, cuống hoa sẽ phình to lên một đoạn để kết trái. Quả non được bao bọc một lớp lông tơ mỏng và mịn, bạn nên tỉa bớt lá gần quả để giúp cho quả non đón nhận được nhiều ánh sáng. Đừng ngại ngùng thẳng tay loại bỏ những trái mới đậu bị dị dạng, bị sâu bệnh để tập trung nuôi dưỡng những trái khác khỏe mạnh hơn. Đó là bí quyết nho nhỏ mà không phải ai cũng làm theo, vì nhiều người hay có tâm lý "tiếc của".
Thời gian thu hoạch trái là từ 50 đến 60 ngày kể từ khi gieo hạt giống. Trái trưởng thành màu xanh đậm, trọng lượng trung bình đạt từ 2 đến 3 kg. Bạn đã có thể sử dụng trái bí đao vào nhiều mục đích khác nhau như để nấu ăn, làm nước giải khát và đặc biệt Tết đến bạn có thể trổ tài làm món mứt bí chiêu đãi cả nhà.