Mức lương cơ bản hiện nay
Hiện nay, lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức được tính như sau: Lương cơ bản = Lương cơ sở x Hệ số lương
Trong đó, theo Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP), mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng. Hệ số lương được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Lương cơ bản của công chức thay đổi như thế nào khi cải cách tiền lương?
Như đã nêu ở trên, hệ thống bảng lương của cán bộ, công chức đang áp dụng theo quy định là mức lương cơ sở nhân với hệ số lương.
Cách tính như trên không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương và còn thấp do mức lương cơ sở thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, dẫn đến tiền lương của cán bộ, công chức thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp. Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng trên 40% mức lương tối thiểu bình quân 4 vùng.
Bảng lương mới khi cải cách tiền lương sẽ xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể, mở rộng quan hệ tiền lương từ 1- 2,34 – 10 hiện nay, lên mức cao hơn để từng bước tiệm cận với tiền lương khu vực doanh nghiệp.
Chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định 5 bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, bao gồm:
- 1 bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị, bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến cấp xã;
- 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;
- 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Các bảng lương được thiết kế bằng xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể và mở rộng quan hệ tiền lương từ 1- 2,34 – 10 hiện nay, lên mức cao hơn để từng bước tiệm cận với tiền lương khu vực doanh nghiệp.
Cơ cấu tiền lương mới
Cơ cấu tiền lương mới bao gồm lương cơ bản (chiếm 70% tổng quỹ tiền lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; hiện nay các khoản phụ cấp chiếm hơn 40%); bổ sung tiền thưởng chiếm 10% tổng quỹ lương.
Bên cạnh đó, việc giảm thiểu các chế độ phụ cấp cũng sẽ được thực hiện. Dự kiến các khoản phụ cấp chỉ còn 9 loại: Phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động, phụ cấp theo nghề, phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn và phụ cấp đặc thù lực lượng vũ trang (bảo đảm không vượt quá 30% tổng quỹ lương).