Cậu bé Tiểu Quân 3 tuổi bị que xiên xúc xích đâm thằng vào cổ họng
Vào lúc 6 giờ ngày 1/5, Khoa phẫu thuật thần kinh của Bệnh viện Nhi thuộc Đại học y khoa Chiết Giang đã tiếp nhận một trường hợp khẩn cấp, cậu bé Tiểu Quân 3 tuổi bị que xiên xúc xích đâm thằng vào cổ họng, ảnh hưởng đến thân não, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo lời kể của mẹ Tiểu Quân, vào lúc hơn 4 giờ chiều 1/5, Tiểu Quân đói bụng, cô đã mua một que xiên xúc xích cho cậu bé, nhưng không ngờ Tiểu Quân vừa cầm que xúc xích vừa ăn vừa chạy đi chơi. Kết quả là Tiểu Quân bị vấp và ngã xuống đất, không may chiếc que xiên xúc xích đâm thẳng vào cổ họng. Tiểu Quân lập tức được mẹ đến bệnh viện địa phương, nhưng bệnh viện địa phương không xử lý được nên đã kiến nghị đưa Tiểu Quân đến Bệnh viện Nhi thuộc Đại học y khoa Chiết Giang.
Sau khi chụp CT, các bác sĩ cũng bị sốc bởi thanh tre đi vào cổ họng, thông qua đường nối của hộp sọ và đốt sống cổ, trực tiếp đi vào não, còn khiến hành não cũng bị thương. Chẩn đoán MRI thậm chí còn tồi tệ hơn. Thanh tre cắm vào toàn bộ thân não và đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào. Nó chỉ có 3cm lộ ra ngoài miệng, còn 3cm trong khoang sọ. Tình hình được đánh giá là khẩn cấp, phải phẫu thuật ngay.
Bác sĩ Thẩm Chí Bằng, phó Khoa Thần kinh của Bệnh viện Nhi cho biết, nếu rút trực tiếp thanh tre, nguy cơ cao sẽ dẫn đến xuất huyết nội sọ, nếu lượng máu chảy ra nhiều, sẽ đe dọa đến tính mạng.
Sau đó, bác sĩ Thẩm Chí Bằng lập tức liên hệ với khoa X quang, khoa gây mê, phòng mổ và SICU (Đơn vị chăm sóc chuyên sâu sau phẫu thuật). Do tình hình chấn thương đặc biệt, các bác sĩ đã xây dựng các phương án cứu hộ tương ứng, để phòng ngừa các vấn đề như hô hấp, xuất huyết não trong quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật.
Chín giờ tối cùng ngày, cuộc phẫu thuật bắt đầu. Sau khi gây mê, bác sĩ Thẩm Chí Bằng cẩn thận rút thanh tre ra, và nhanh chóng tìm các điểm chảy máu, tiến hành cầm máu. Sau đó, bác sĩ đã khâu vết thương của Tiểu Quân, gửi đến SCIU để quan sát.
Trẻ có thể bị tai nạn thương tâm vì những đồ vật sắc nhọn trong nhà
Trước đó, bé Hy Hy 2 tuổi ở Trùng Khánh, Trung Quốc đã phải vào viện cấp cứu vì đũa chọc vào khoang miệng 12cm. Theo đó, trong lúc bé chơi đuổi bắt với bà ở nhà, không may đang chạy thì bị ngã úp mặt xuống đất, khiến cho chiếc đũa bé đang ngậm trong miệng chọc sâu xuống dưới. Được biết, chiếc đũa từ khoang miệng đi qua bên trái vòm họng, chạm vào phía trên amidan rồi di chuyển xuống sâu 12cm sau khi bị nuốt vào. May mắn chiếc đũa đã được đưa ra khỏi họng bé trai, bé cũng dần dần hồi phục lại ý thức.
Ở Việt Nam, cậu bé 7 tuổi, sống tại quận Tân Phú, TPHCM đã bị cây xiên đâm vào lồng ngực. Theo đó, khi tranh thủ giờ ra chơi, cậu bé rủ bạn đi ăn cá viên chiên. Trong lúc vừa ăn, vừa chơi đùa, bé không may bị bạn khua tay khiến đầu nhọn của cây xiên viên cá đâm vào lồng ngực. Ngay lập tức, cậu bé đã được sơ cứu tại chỗ và chuyển đến bệnh viện địa phương.
Tại đây, bác sĩ xác định mũi nhọn của cây xiên cá viên may mắn chỉ đâm thấu phần mềm ở lồng ngực bệnh nhi nên tiến hành tiểu phẫu rút dị vật ra ngoài.
Một trường hợp tương tự với cậu bé trai 4 tuổi sống tại An Giang được người nhà đưa đến Bệnh viện mắt TP.HCM trong tình trạng chiếc que xiên thịt cắm sâu vào hốc mắt.
Bà nội của bé cho biết, bé đang ăn thịt viên chiên thì thấy ba đi làm về nên chạy tới mừng, bất ngờ bé bị té ngã, que tâm xiên vào hốc mắt trái, lúc đó trên que vẫn còn dính 1 viên thịt bé còn đang ăn dở. Cũng may que không đâm xuyên vào nhãn cầu mà đâm vào hốc mắt trái khoảng 3cm, đứt lệ quảng nên bác sĩ đã tiến hành nối lại.
Trẻ bị dị vật đâm phải, cha mẹ phải làm gì?
Theo cảnh báo của các bác sĩ, những vật như dao, kéo, cây sắt, cây gỗ… sắc nhọn đầu luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích cho con trẻ bởi các bé chưa ý thức được sự nguy hiểm. Vì thế, các bậc phụ huynh thường ngày nên để mắt nhiều hơn đến con em mình và phổ biến kiến thức cơ bản về vui chơi an toàn cho các con. Tuyệt đối không được để trẻ cầm đũa, dĩa, tăm hay ngậm kẹo mút trong lúc chơi đùa.
Khi trẻ bị dị vật đâm phải, phụ huynh phải cố gắng giữ bình tĩnh, tuyệt đối không rút dị vật ra, cố gắng giữ dị vật ổn định và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.