Để có thể tổ chức một đám cưới chu toàn từ trong ra ngoài, các cặp đôi phải bỏ ra một khoản chi phí không hề nhỏ. Điều đáng nói, không phải ai cũng có đủ điều kiện để tự lo tất cả mà đôi khi, họ phải vay mượn, cưới trước trả nợ sau.
Và số tiền dùng để trả lại chính là quà mừng cưới mà họ nhận được. Thậm chí, có những người phải cày cuốc trả nợ sau đám cưới. Đó là những điều hoàn toàn thực tế trong cuộc sống.
Thế nhưng, chính sự sơ hở người vô kẻ ra, lạ quen không hay biết ở đám cưới, lại tạo điều kiện để những tên trộm hành nghề nhờ đóng vai khách mời.
Những năm qua, cơ quan chức năng đã phải điều tra và xử lí không ít những vụ mất tài sản của các gia đình có lễ cưới. Nhưng đó chỉ là một số ít trong số rất nhiều vụ trộm cắp tài sản có liên quan đến “ngày vui hai họ” trên khắp cả nước.
Ngày 5/5/2015, Nguyễn Thị Phượng (SN 1986, ngụ ở Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng) đã bị công an quận Hà Đông (Hà Nội) khởi tố, tạm giam về tội trộm cắp tài sản.
Sau 4 lần hành nghề trót lọt tại 4 đám cưới trên địa bàn quận Hà Đông, cuối cùng, Phượng cũng đã bị công an phát hiện khi vừa thực hiện hành vi trộm cắp ở một đám cưới thuộc phường Mộ Lao. Cô ta đã dùng tua vít phá khóa lấy cắp tiền và vàng trị giá khoảng 200 triệu đồng.
Phượng bị cảnh sát bắt quả tang khi mang tài sản về nhà riêng cất giấu. Tại nơi ở của Phượng, cảnh sát đã thu giữ tang vật là tiền và trang sức có trị giá khoảng 800 triệu đồng.
Với cách hành sự quen thuộc, đèo con nhỏ đến nơi tổ chức đám cưới để tránh bị chú ý, lợi dụng đám đông, Phượng trà trộn vào và nhân lúc không ai để ý thì cậy tủ trộm tiền, vàng.
Những câu chuyện trên chính là bài học chung cho tất cả mọi người, cần cảnh giác hơn trong việc giữ gìn tài sản giữa nơi đông đúc. Nhất là tại các đám tiệc như đám cưới, vì không những bị mất của, mà ngày vui còn bị phá hỏng!
Ngày 12/12, Trần Đăng Khoa (26 tuổi, ngụ ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã bị Công an huyện Sóc Sơn khởi tố về hành vi trộm cắp.
Điều đáng nói, đây là một tên trộm khá chuyên nghiệp, dùng “chiêu” giả thân quen với gia đình cô dâu chú rể để tạo sự tin cậy, Khoa đã thực hiện trót lọt 10 vụ trộm cắp tài sản đám cưới ở hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn.
Mới đây nhất, trưa ngày 1/11, khi chạy xe máy đến khu vực thôn Song Mai Đoài, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) nghe tiếng nhạc đám cưới, Khoa đã nảy sinh ý đồ trộm cắp. Sau khi dò hỏi tên chú rể, Khoa tìm một quán nước gần đó ngồi chờ đến giờ đón dâu.
Gần trưa, Khoa lẻn vào phòng tân hôn, khi gặp chị Nhung (chị gái chú rể) đang dọn dẹp, anh ta đã giả vờ thân quen đứng hỏi chuyện xã giao. Tưởng bạn của em trai nên chị Nhung tin tưởng nhờ trông phòng hộ.
Ngay lập tức, Khoa nhanh chóng lục đồ trong túi ni lông đựng phong bì mừng cưới. Sau đó, anh ta “cuỗm” đi số tiền khoảng 53 triệu đồng cùng một số tài sản của gia chủ rồi rời khỏi hiện trường.
Không giống như những kẻ trộm khác, Kiều Phước Sơn (SN 1982, ngụ ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) bình thản “ăn chùa” rồi mới ôm “của” ra về. Nhưng chẳng may, chính vì chọn phương pháp trộm cắp đặc biệt là “được ăn, được nói, rồi gói mang về” nên Sơn đã bị phát hiện thông qua bức ảnh tiệc cưới của gia đình nạn nhân.
Theo đó, ngày 24/5, khi đến tham dự đám cưới của một người bạn thân ở nhà hàng trên đường 2/9, thì chị Ngô Thị H. (SN 1980, ngụ ở quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) phát hiện bị mất 18 triệu đồng trong chiếc ví da đặt trên bàn tiệc.
Sau khi được nạn nhân trình báo, công an đã khoanh vùng đối tượng điều tra thì biết được, bàn tiệc chị H. ngồi chỉ có 4 người thân làm việc cùng cơ quan cùng 1 nam thanh niên lạ mặt. Khả nghi hơn, trong khi mọi người say sưa trò chuyện cùng nhau thì anh chàng kia chỉ tập trung vào việc ăn uống và không hề tham gia vào câu chuyện chung.
Điều đáng nói, cả cô dâu và chú rể đều không biết vị khách mời lạ mặt kia. Và từ bức ảnh của thanh niên này “vô tình” có mặt trong album tiệc cưới, mà công an đã lần ra manh mối và bắt giữ Sơn ngay sau đó.
Với những bằng chứng không thể chối cãi, Sơn đã cúi đầu thừa nhận hành vi trộm cắp của mình. Tại cơ quan công an, Sơn khai nhận mình thường ăn mặc sang trọng, giả danh người quen đi khắp các tiệc cưới trên địa bàn Đà Nẵng để “ăn chùa” và thu chiến lợi phẩm khi thấy khách mời sơ hở.
Cảnh giác với đạo chích vào vai người ở ghép
Việc "ở ghép " phòng trọ, nhà trọ trong giới sinh viên và người lao động nhập cư trên địa bàn TPHCM được coi là giải pháp hợp lý, bởi giúp "chia sẻ" gánh nặng các khoản phí như điện nước... Tuy nhiên, lợi dụng điều này, nhiều kẻ xấu đã nhập vai người ở ghép để "khoắng" tài sản của bạn chung phòng.
Việc sinh viên ở ghép để chia sẻ chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập ở thành phố là điều cần thiết, tuy nhiên nhiều sinh viên do mất cảnh giác nên bị người ở ghép lừa đảo, trộm cắp, khoắng sạch tài sản.
Đơn cử như mới đây là trường hợp của em Huỳnh Quang Minh (ngụ chung cư Nguyễn Kim, phường 7, quận 10).
Theo đó, Minh cùng anh trai mình là Nguyễn Quang Bình thuê chung cư Nguyễn Kim để ở phục vụ việc đi học và đi làm, do nhà thuê rộng nên Minh đăng thông tin trên mạng tìm người ở ghép để giảm bớt tiền thuê nhà.
Chiều 10/8, một thanh niên xưng tên Dương Quốc Huy đến xem phòng và tỏ vẻ khá ưng ý. Sau khi thỏa thuận chi phí sinh hoạt, Huy đồng ý dọn đến ở.
Khoảng 17h chiều 11/8, tranh thủ lúc mọi người đi vắng, Huy rủ Minh ra ngoài nói là mua đồ về nấu ăn, thiết đãi mọi người coi như tiệc ra mắt. Trên đường đi, Huy kêu Minh cho mượn chìa khóa phòng để cắt chìa mới.
Sau khi có chìa khóa, Huy nói Minh đứng đợi để Huy chạy về phòng lấy đồ bỏ quên trong phòng. Lợi dụng điều này, Huy đã gom toàn bộ tài sản trong phòng rồi bỏ trốn. Lúc này, phát hiện mình bị mất trộm tài sản, Minh đã đến Công an phường 7, quận 10 trình báo sự việc.
Cách đó không lâu, anh Tăng Minh Hưởng (25 tuổi) cũng bị kẻ gian đóng giả người ở ghép để khoắng tài sản. Theo trình báo của anh Hưởng với cơ quan công an, đầu tháng 5/2016, anh Hưởng đăng tin tìm người ở ghép lên mạng internet với hy vọng tìm được người tử tế về ở chung để giảm bớt gánh nặng tiền thuê phòng trọ.
Sau vài ngày đăng tin, Hưởng nhận được cuộc gọi từ một nam thanh niên đề nghị đến xem phòng. Đúng hẹn, hai bên gặp nhau. Đó là một chàng trai khoảng 27 tuổi, dáng người cao ráo, mặt mũi sáng láng và ăn mặc vô cùng lịch sự.
Thanh niên này tự giới thiệu và đưa ra một danh thiếp có tên là Phan Quốc Hoàng, là biên tập viên Đài truyền hình TPHCM. Nhờ tài ăn nói không chê vào đâu được và vẻ ngoài chững chạc, đứng đắn, Hoàng nhanh chóng chiếm được thiện cảm của Hưởng và những bạn trong phòng.
Khi Hoàng chuyển về ở chung thì trong phòng Hưởng liên tục xảy ra mất mát tiền bạc mà từ trước tới nay chưa từng có.
Sau nhiều lần xảy ra mất tài sản đáng ngờ, cộng với những hành động bất thường của gã “biên tập viên”, Hưởng và các bạn trong phòng bắt đầu xâu chuỗi lại sự việc và đặt nghi vấn lớn cho người này. Tuy nhiên, mọi thứ đã quá muộn với nhóm bạn của Hưởng, bởi Hoàng “bốc hơi” cùng nhiều tài sản của bạn chung phòng mà không một lời từ biệt.
Theo kinh nghiệm của một số người thuê trọ, trước khi cho ai ở ghép, phải tìm hiểu kỹ tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp... đối tượng mới đến, đồng thời nhanh chóng yêu cầu họ xuất trình giấy tờ tùy thân và đề nghị tới chính quyền địa phương nơi mình thuê trọ đăng ký tạm trú, đây là cách để kiểm tra tính xác thực của những loại giấy tờ tùy thân, để lỡ không may xảy ra trộm cắp vẫn có đầu mối truy tìm.
Thực tế, có nhiều vụ, kẻ gian nhặt được giấy tờ tùy thân của người khác, dán hình mình vào rồi đi thuê trọ để thực hiện ý đồ xấu khiến công tác truy tìm gặp không ít khó khăn.
Chính vì vậy, khi cần người ở ghép, tốt nhất nên chọn những ai quen biết, học chung trường hoặc làm chung công ty để tránh trường hợp ở chung nhà với những tên đạo chích.