Để mưu sinh, người nông dân đã chọn làm nghề gánh nước thuê. Vào mỗi buổi sáng, ông đặt đôi quang gánh lên vai. Mỗi đầu của chiếc quang gánh là một chiếc bình đất nung. Ông sẽ múc nước vào đầy hai chiếc bình này và gánh chúng vào trung tâm làng. Mọi việc diễn ra rất suôn sẻ, bởi người nông dân của chúng ta rất chăm chỉ, ông không ngại khó, ngại khổ, ngược lại còn làm việc hăng say.
Tuy nhiên, giữa những chiếc bình đất nung giúp người nông dân chuyển nước, có một chiếc bình bị nứt. Nhưng lạ thay, người nông dân chăm chỉ dường như không nhận ra điều này. Ông ấy vẫn sử dụng chiếc bình nứt vào mỗi sáng, trong chuyến gánh nước đầu tiên của mình.
Một bên quang gánh là chiếc bình nứt, một bên là chiếc bình hoàn toàn nguyên vẹn. Người nông dân chăm chỉ đổ nước vào hai chiếc bình rồi bước đi. Con đường từ giếng đến trung tâm làng cũng dài tầm 2 cây số.
Khi đến nơi, tất nhiên, nước trong chiếc bình nứt chỉ còn giữ được một nửa lượng nước. Trong khi đó, chiếc bình còn lại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó, mang về trọn vẹn 1 đồng tiền cho chủ nhân chăm chỉ.
Nỗi niềm xấu hổ của chiếc bình không còn nguyên vẹn
Rất nhanh chóng, câu chuyện của chiếc bình nứt bắt đầu lan truyền trong cộng đồng những chiếc bình. Những chiếc bình lành lặn không thể hiểu được tại sao người nông dân vẫn giữ lại chiếc bình bị nứt, trong khi đó, nó suốt ngày để thất thoát những đồng tiền quý giá mà chủ nhân đã rất vất vả mới làm ra. Và chúng càng không hiểu, tại sao người nông dân lại luôn chọn dùng chiếc bình trong chuyến gánh nước đầu tiên của ngày.
Ở một góc khác, chiếc bình nứt bắt đầu cảm thấy xấu hổ về bản thân mình. Nó đã theo phục vụ cho người nông dân suốt 10 năm qua và rất cảm kích sự chăm chỉ của chủ nhân. Nó bắt đầu cảm thấy mình là một gánh nặng cho người nông dân, và chính nó cũng không hiểu tại sao chủ nhân của nó chưa vứt nó vào thùng rác. Nó đã là một thứ bỏ đi rồi.
Chiếc bình bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng đã qua, khi nó còn là một chiếc bình hoàn hảo. Liệu giờ có ai còn nhớ, nó đã từng là chiếc bình chắc chắn nhất trong những chuyến hành trình của người nông dân. Nhưng rồi, vào cái ngày định mệnh, người nông dân bị vấp ngã. Ông ấy không cố tình, nhưng hậu quả đau lòng đã diễn ra, chiếc bình gần như bị vỡ. Vết nứt lớn xuất hiện, đánh dấu chính thức ngày mà chiếc bình mất đi tính hữu dụng toàn vẹn của nó.
Thời gian đã qua rất lâu rồi, nhưng người nông dân vẫn chưa để nó rời đi.
Con đường của nước
Trên đường ra giếng nước, người nông dân thường xuyên làm những hành động mà chiếc bình nứt cùng chúng bạn lành lặn của nó phải ngạc nhiên. Ông đút tay vào túi, rồi thả những thứ gì đó dọc theo ven đường. Không một chiếc bình nào biết đó là thứ gì.
Một thời gian sau, những chiếc bình lại thấy ông chủ của mình rải những thứ gì đó xuống vệ đường. Nhưng lần này lại là phía bên kia. Nhưng rồi, hành động ấy của ông chủ không lặp lại thường xuyên nữa, nên những chiếc bình cũng đánh mất luôn sự tò mò của chúng.
Thế rồi, những cuộc nói chuyện của những chiếc bình lành lặn lại quay về chủ đề cũ, sự “vô tích sự” của chiếc bình nứt. Những câu chuyện âm ỉ lan truyền trong cộng đồng bình khiến chiếc bình nứt càng thêm đau lòng. Vết nứt của nó tưởng như sâu thêm khi chiếc bình nghĩ về chủ nhân của mình, nghĩ về những người chỉ mua được một nửa lượng nước họ cần, nghĩ về sự chăm chút mà ông chủ vẫn dành cho nó.
Nhưng rồi, chiếc bình nứt đã dũng cảm có một quyết định. Nó không muốn những suy nghĩ, những lời rèm pha ấy lớn thêm và hành hạ suy nghĩ của nó thêm một ngày nào nữa. Nó sẽ nói chuyện với ông chủ, và khuyên ông ấy hãy vứt nó vào thùng rác.
Một bài học đạo đức ấm áp và thật đáng suy ngẫm
Vào một đêm, khi người nông dân chuẩn bị đi ngủ, chiếc bình nứt đã gọi chủ nhân của mình, nó có chuyện cần nói với ông. Người nông dân thuần thiện của chúng ta đã đồng ý lắng nghe chiếc bình. Ông nghe câu chuyện của chiếc bình nứt với tất cả sự chăm chú. Chiếc bình, về phần nó đã không để lãng phí một giây phút nào, không vòng vo, nó nói hết những điều đang chất chứa.
Nó muốn chủ nhân biết rằng, nó rất trân trọng ông ấy, nhưng nó không thể làm quen được với cảm giác mình là một chiếc bình vô dụng. Nó không muốn người nông dân giữ nó lại vì thương hại. Việc mà người nông dân cần làm, theo chiếc bình nứt chính là vứt bỏ nó đi. Dứt khoát một lần để tất cả được kết thúc.
Người nông dân đã mỉm cười trong khi lắng nghe câu chuyện. Tới khi chiếc bình kết thúc tâm sự, người nông dân nhẹ nhàng giải thích: Ông chưa bao giờ nghĩ đến việc vứt bỏ một chiếc bình khi nó còn rất hữu dụng.
“Tôi còn hữu dụng ư?”, chiếc bình nứt không tin vào những gì nó nghe được. Trong câu hỏi chứa chan sự nghi hoặc, pha thêm chút xót xa.
Người nông dân yêu cầu chiếc bình hãy giữ bình tĩnh. Ông hứa sẽ giải thích cho nó lý do tại sao cho đến tận giờ này nó vẫn còn là một chiếc bình có ích vào sáng ngày hôm sau. Chiếc bình nứt đã có một đêm không ngủ.
Sáng hôm sau, như đã hứa, người nông dân nói với chiếc bình nứt: “Xin bạn hãy ngắm nhìn kỹ hai bên đường đi của chúng ta nhé, hãy nhìn ngắm những gì có ở hai bên đường”. Chiếc bình nứt đã ngắm nhìn rất kỹ nhưng nó không thấy gì khác ngoài một con đường rất đẹp, hai bên tràn đầy những nụ hoa chúm chím.
Cho đến khi đến bên miệng giếng, chiếc bình thú nhận với người nông dân rằng, nó không tìm thấy điều gì đặc biệt trên suốt dọc đường đi. Ở đó chỉ có những bông hoa.
Người nông dân dịu dàng nhìn chiếc bình: “Từ khi bạn bị nứt, tôi đã tìm xem có cách nào đó để tiếp tục sử dụng bạn một cách hữu ích nhất. Và tôi quyết định, thỉnh thoảng tôi sẽ gieo những hạt mầm xuống đất ven đường. Bạn biết không, nhờ có bạn, tôi đã có thể tưới nước cho chúng mỗi ngày. Nhờ có bạn, khi những bông hoa này nở rực rỡ, tôi có thể ngắt chúng để đem bán. Những bông hoa còn mang đến cho tôi nhiều tiền hơn cả một bình nước. Đó đều là nhờ có bạn”.
Một dòng nước nhỏ từ từ chảy qua khe nứt của chiếc bình nứt. Chúng ta có thể đoán rằng, nó đang khóc. Chiếc bình im lặng, nó không biết phải nói gì thêm, chỉ biết rằng, nó sẽ chăm chỉ cống hiến cho chủ nhân của mình cho tới khi trở thành những mảnh nhỏ, hòa lại vào với đất, nơi từ đó nó đã lớn lên.
Ai đó đã từng nói: “Cuộc sống của bạn chỉ thật sự ý nghĩa và trọn vẹn khi bạn biết gìn giữ và nuôi dưỡng những ước mơ, biết hy vọng, biết tin tưởng vào những lời hứa, biết trân trọng những hẹn ước, biết can đảm bước ra từ nỗi đau, biết vượt lên học hỏi từ những sai lầm”.
Đã bao lần bạn mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân bạn học không giỏi, hát không hay, bạn không xinh đẹp…
Và điều ấy khiến cho bạn buồn, tự ti. Những khuyết điểm đó giống như những vết nứt, ngày càng hằn sâu khiến bạn không khỏi mặc cảm. Chúng ta ai cũng vậy, đều có những vết nứt nhưng nếu chúng ta biết chấp nhận và tận dụng nó, thì mọi thứ đều có thể trở nên có ích.
Còn chiếc bình lành tưởng chừng rất hoàn hảo nhưng hóa ra nó "khuyết" ở chỗ không thể làm cho những luống hoa ven đường mọc lên. Điều đó càng khẳng định không có ai hoàn hảo cả. Và chúng ta cần phải luôn bổ sung cho nhau để tạo ra những giá trị tốt đẹp.
Câu chuyện "Chiếc bình nứt" khép lại mang đến cho chúng ta thật nhiều suy tư. Đối diện với những khiếm khuyết của chính mình, mỗi người cần học cách chấp nhận, đồng thời hướng đến những điều tốt đẹp của bản thân. Ai cũng có những khuyết điểm nhưng đằng sau những khuyết điểm ấy, mỗi người vẫn luôn có giá trị riêng. Hãy biết cách tận dụng và biến nó thành lợi thế của mình để thành công hơn trong cuộc sống.