Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều (4)

23:53, Chủ nhật 04/12/2011

( PHUNUTODAY ) - #160; (Phunutoday) - Trong thế giới thơ Châu thổ, nhà thơ, những người đàn bà, đàn ông, những đứa trẻ, con chó, con bò, cây rơm, mái rạ,…

(Phunutoday) - Khi viết về bà, về mẹ, Nguyễn Quang Thiều có những bài thơ thật “cổ điển”: “Tuổi lên mười ta nghe mà nhớ mẹ / Hoàng hôn hè sụp tối chân đê / Mẹ đi làm chiều nào về cũng muộn / Muỗi bay như cát ném ngõ ta chờ” (Nghe tiếng con chim cuốc). Cổ tích và huyền thoại, hữu thức và vô thức đan cài vào nhau trong nhịp điệu của Thánh kinh: “Tôi khóc những mùa rau khúc thiêng liêng phủ đầy mưa xuân như phủ đầy cám nếp / Nơi mãi mãi giấu vùi hơi thở của bà tôi” (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc). Không gian, giọng điệu gần gũi, thân mật chứ không xa xôi, “vũ trụ” như khi anh viết về đồng loại, về thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Một bức tranh đẹp về thiên nhiên, làng quê, về mùa xuân. Với không gian sông nước và những kỉ niệm đã vời xa, nhưng cũng ẩn dụ cho những chuyến đi ngày thơ dại: “Sao mẹ không gọi về cho con / Những con thuyền thủa trước / Những con thuyền lần ra cửa biển / Mưa rất dài ướt hết cả dòng sông” (Những con thuyền sông Đáy).
 
Câu thơ lạ, bất định, phi lí, tuyệt bút: “Mưa rất dài ướt hết cả dòng sông” được cấu trúc ở dạng thể “lỏng”, cách quãng ngắn (“mưa” / “ướt” / “sông”), ta sẽ gặp lại ám ảnh animage này ở một bài khác, chính xác đến cả ngữ pháp, lượng chữ: “Nước mắt buồn bay ướt một triền sông” (Tiếng cười). Một ám ảnh từ vô thức của nhà thơ đã tạo thành một khối nhòa nhoạt mà “sông” là đích đến, còn “mưa” đồng nghĩa với “nước mắt” của buồn đau:


Mưa                  ướt             sông   

                                                            Mưa = nước mắt

Nước mắt         ướt             sông   


Sơ đồ trên tóm tắt một ý: cấu trúc tâm linh, tinh thần của người nghệ sĩ gắn “mưa” với “nước mắt” thành nỗi đau trôi chảy trên dòng “sông-thời gian”, dòng “sông-thơ” từ trải nghiệm nơi dòng “sông-cuộc đời” của cá nhân và “chúng ta”: “Chúng ta sinh ra, khúc rốn thời gian biền biệt / Chúng ta sinh ra khóc ròng những dòng sông” (Nhịp điệu châu thổ mới, Ch. IV); hay “Dâng cao mãi, dâng cao… con thuyền rồng trong hải lưu không gian cuồn cuộn / Những hồ nước mắt dâng đầy, những dòng sông nước mắt giàn giụa, không bờ bến” (Nhịp điệu…, Ch. V).
 
Những câu thơ “lỏng” không chỉ ở trường từ vựng trỏ trực tiếp (sông, nước, hồ, nước mắt) mà cả ở những từ gián tiếp (dâng cao, dâng đầy, thuyền, hải lưu, giàn giụa) đã làm hiện ra “tính đồng vị” (“isotopie”) về tính “lỏng” của không gian, nỗi buồn đau, rộng ra còn cả đức tin, lí trí.
 
“Mưa”, nói chung trong biểu tượng văn hoá thế giới, là điều tốt lành, làm cho phụ nữ và các giống vật sinh nở, đất đai màu mỡ, tốt tươi; trong biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp về sự hôn phối giữa Trời và Đất, thì mưa là tinh dịch. Có một ý quan trọng: “Mưa là ơn trời, và cũng là đức hiền minh. Sư Huệ Năng dạy rằng: Đức hiền minh cao cả nhất trong bản chất của mỗi con người có thể ví với mưa…”.
 
“Nước mắt”: “biểu tượng của nỗi đau”, rơi xuống sẽ bốc hơi, hoá mây, biến thành mưa, rồi lại rơi xuống, khép kín một vòng tuần hoàn.
 
Trong thơ Châu thổ, “khóc” và “nước” có tần suất xuất hiện vô địch: đều trên dưới 50 lần mỗi từ. Đó không thể là ngẫu nhiên.
 
“Đêm nay, ngày của cái nhìn chúng ta đã đến. Chúng ta thấy một bình minh máu rực rỡ đang giấu vùi trong da thịt tối tăm. / Đêm nay, nước đã đến. Bằng sự im lặng khổng lồ, nước nhấn chìm mọi vật không có cánh” (Nhân chứng của một cái chết, Khúc một);

“Đêm nay, ngày của cái nhìn chúng ta đã đến”: một “định nghĩa” khác về “ngày của cái nhìn”! “Nước” đã đóng một vai trò quan trọng trong sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều.
 
Gắn với chúng là những số phận con người bình dị, nhất là những người “đàn bà”. Trong thế giới của “bóng tối”, nước, - “nguồn sống, phương tiện thanh tẩy và trung tâm tái sinh”, gắn với họ suốt cả cuộc đời: “Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy / Những người đàn bà xuống gánh nước sông” (Người đàn bà gánh nước sông), - “nước mắt”, theo sơ đồ trên, có ngầm chảy trong những chiếc “đòn gánh tre chín rạn đôi vai” của họ? Bên cạnh đó là những người đàn bà như từ trong huyền thoại: “Họ đã đi qua khu vườn trong bóng tối nhiều gió, những bông hồng trái mùa khóc họ” (Chuyển dịch màu đen); v.v.
 
Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra trong thơ anh ảo giác về cái không có thực theo hướng hậu hiện đại mà sau nó là những ẩn ngữ về hiện sinh con người. Dưới đây là một ví dụ điển hình về một “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” (magical realism) trong thơ anh:

“Những con thuyền trôi trước tôi như ở một thế giới khác. Tôi nhìn thấy những đàn bà từ nước đi lên (…)
“Có một chiều, một chiếc thuyền ghé bờ nơi tôi đứng. Từ trên thuyền người đàn bà kỳ dị nhìn tôi và thở dài. Bà rủ tôi lên thuyền đi sang bến bờ bên kia. Tôi hỏi bà sang đó làm gì? Và ở đó có gì? Người đàn bà không trả lời câu hỏi của tôi và chèo thuyền đi khuất.
 
Người đàn bà ấy không con và thường qua khúc sông làng tôi. Đến bây giờ, những năm cuối thế kỷ, mẹ tôi vẫn nhớ rõ người đàn bà ấy. Đêm đêm mẹ tôi vẫn sợ hãi và vẫn nguyền rủa người đàn bà ấy. Hình dáng bà trong tôi như câu chuyện cổ. Lúc nào nhớ đến bà tôi lại tin chiều ấy chỉ có trong mơ.
 
Vì thế đêm nay tôi vẫn đứng ở bến bờ này. Tóc tôi giờ đã rụng, râu tôi giờ đã bạc. Nếu ngày ấy tôi lên thuyền tôi đã ở bến bờ khác.
 
Nhưng tôi đang ở bến bờ này với những người đàn bà đã còng lưng vẫn giữ chặt hai bầu vú từ nước đi lên” (Nhân chứng của một cái chết, Khúc ba); 

Sông nước, bến bờ, (đương nhiên cũng còn là những ẩn dụ), cùng với những điều huyền hoặc, huyền ảo được “kể” từ những điểm nhìn khác nhau, đã tạo ra một khí quyển thơ khác lạ trong Châu thổ. Trong đoạn trích trên đây, nhân vật và những sự kiện hoang đường mang màu sắc huyền thoại cứ tự nhiên bước vào thơ và được chính nhân vật “tôi” chứng kiến.
 
Giữa hai cực của sự hoài nghi huyền thoại về “người đàn bà kì dị” là: “những đàn bà từ nước đi lên” (giống những “thuỷ nữ” trong huyền thoại) và “những đàn bà đã còng lưng vẫn giữ chặt hai bầu vú từ nước đi lên” (thì lại cực kì “hiện thực”!). Nhà thơ đã “giải huyền thoại” qua hình ảnh “hiện thực” đó! Vẫn một thao tác “giải thiêng” như thế, trong đoạn thơ trên đan xen giữa khí quyển huyền ảo về “người đàn bà kì dị”, về việc hỏi và đáp vắng âm thanh giữa bà ta với “tôi” được trần thuật gián tiếp như “nhớ” lại từ một giấc mơ,… là một hiện thực có không gian cụ thể “khúc sông làng tôi”, có thời gian cụ thể “những năm cuối thế kỉ”, có con người cụ thể “mẹ tôi”, “tôi”, “những người đàn bà đã còng lưng”.
 
Tính chất đối thoại lật tẩy cái đẹp không có thật (tiên nữ trong huyền thoại, chẳng hạn), được phủ định bằng một “ngoại đề” thoảng qua: “Hình dáng bà trong tôi như câu chuyện cổ. Lúc nào nhớ đến bà tôi lại tin chiều ấy chỉ có trong mơ” cùng với một “hiện thực” trần trụi “lưng còng”, “giữ chặt hai bầu vú” nhưng vẫn “từ nước bước lên” như những “nàng tiên cá”! Đây chính là cái “quái ngầm” trong hình ảnh, giọng thơ Nguyễn Quang Thiều! Nhưng thật nhất vẫn là hình ảnh trung tâm nhiều yêu thương, trìu mến về người mẹ:
 
“Đêm đêm mẹ tôi vẫn sợ hãi và vẫn nguyền rủa người đàn bà ấy”. Tính chất xảy lặp của “bóng tối” qua “đêm đêm” không chỉ còn là trỏ cụ thể một số phận mà ám ảnh cả những phận người trong huyền thoại lẫn trong hiện thực. “Tôi không nghe thấy tiếng chúng kêu than hay nguyền rủa điều gì. Chỉ cảm thấy có tiếng nước dâng lên, dâng lên mãi tràn ngập cả đêm trăng”.
 
Trong thế giới thơ Châu thổ, nhà thơ, những người đàn bà, đàn ông, những đứa trẻ, con chó, con bò, cây rơm, mái rạ,… được trần thuật, trên bình diện trần thuật là ở hai ngôi thứ nhất và thứ ba, nhưng ở cấp độ giọng điệu, dù ở ngôi thứ ba, thì vẫn chỉ là một nhân vật trữ tình: cái “tôi” ở ngôi thứ ba hay cái “tôi” phân thân thành cái “nó” để trình bày về thế giới cùng những trăn trở của anh ta.
 
Tất cả những cái nhìn, giọng điệu đó dường như thường trực phát ra từ “bóng tối” khổ đau, buồn thương của nhân vật trữ tình, qua đó ta thấy được tình cảm, tư tưởng, hệ ý thức, trách nhiệm và sứ mệnh được phát ngôn nhân danh nhà thơ, người nghệ sĩ trước cuộc đời.
 
 
Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều (Thơ tuyển lần thứ nhất)
 
 
 
  • Đào Duy Hiệp
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc