Nước đậu nành
Nước đậu nành không chỉ chứa nhiều phân đạm mà còn có cả phân lân, kali và các chất dinh dưỡng khác, có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh trưởng của cây về mọi mặt. Để làm nước đậu nành bón cây, bạn hãy ngâm đậu nành qua đêm, sau đó nấu đậu nành tới khi chín mềm. Vớt đậu nành ra bát, dùng thìa nghiền cho tơi đậu ra hoặc để nguội rồi dùng tay bóp.
Cho đậu nành và nước nấu đậu vào thùng nhựa, đổ đầy nước đến 8 phần, nếu nước đậu nành không đủ, bạn có thể cho thêm nước. Đậy nắp kín và để nơi ấm áp, thoáng gió, sau một năm thì bạn có thể lấy ra để tưới cây. Lúc này đậu nành đã phân hủy hoàn toàn và không còn mùi hôi nữa.
Khi dùng nước đậu nành tưới cây, bạn hãy lấy phần nước phía trên pha thêm 8 phần nước. Trong thời kỳ sinh trưởng, bạn hãy tưới cho cây mỗi tháng 2 lần, khi cây ra hoa cần giảm bớt, chỉ cần 1 lần/tháng là được.
Nước mưa
Nước mưa được hình thành từ việc ngưng tụ hơi nước trên cao và rơi xuống nên có phần sạch hơn các loại nước khác từ ao hồ, sông suối,… Loại nước này không chứa tạp chất lại nhiều nguyên tố vi lượng, rất có lợi cho sự ra rễ của cây. Cây có bộ rễ khỏe mạnh thì mới có thể phát triển tốt, cành lá sum suê được.
Ngoài ra, nước mưa còn có tính axit nhẹ, giúp đất tơi xốp hơn, ngăn chặn tình trạng nén chặt của đất. Vì vậy khi trời mưa, chỉ cần không mưa to thì bạn có thể mang cây ra ngoài trời để cây tắm mưa. Hoặc bạn có thể hứng nước mưa và tích trữ lại để dùng dần, vừa tốt cho cây trồng vừa tiết kiệm nước.
Bia
Bia là sản phẩm lên men, chứa nhiều đường, axit amin, protein, carbohydrate. Sau khi phân hủy, nó sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, biến lá vàng thành lá xanh, cây chậm lớn cũng có thể phát triển bình thường trở lại.
Tuy nhiên, bia lại có cồn nên trước khi tưới cho cây, bạn nên pha loãng bia với nước theo tỷ lệ 1:100. 2 tuần cho cây uống một ngụm, cành lá sẽ phát triển sum suê, lá có màu xanh mướt mắt. Một số loại cây thích uống bia có thể kể đến là trầu bà xanh, kim ngân, lan quân tử,…
Nước vo gạo
Sau khi vo gạo xong bạn không nên đổ bỏ nước vo gạo đi mà hãy tận dụng để tưới cây. Bởi, chất dinh dưỡng trong nước vo gạo tương đối phong phú gồm protein, nhóm vitamin B, lipid, glucid,… rất có lợi cho sự phát triển của cây.
Tuy nhiên bạn không nên tưới thẳng nước vo gạo vào gốc cây, nếu không cây dễ bị cháy rễ, vàng lá, thậm chí là chết. Thay vào đó, bạn hãy dùng nước vo gạo lên men.
Đầu tiên, bạn hãy cho nước vo gạo vào chai nhựa nhưng không nên đổ quá đầy, có thể cho thêm một ít vỏ cam để tạo mùi thơm. Sau khi vặn chặt nắp chai, hãy đặt chai dưới nắng. Khoảng 15 ngày, nước vo gạo sẽ trong, tức là nó đã lên men và bạn có thể mang đi pha loãng với nước theo tỷ lệ 1 nước vo gạo : 3 nước lọc để tưới cây. Tưới cây 1 lần/tuần để cây phát triển tốt.
Nước tro
Tro thực vật là phần còn lại từ việc đốt rơm rạ, lá cây, thành phần chính là kali cacbonat, có thể cân bằng độ chua và độ kiềm của đất, bổ sung đủ ion kali tương đương với phân kali, giúp cây quang hợp tốt hơn, đồng thời thúc đẩy quá trình ra hoa, đậu quả.
Khi dùng tro thực vật, bạn nên hòa tro vào nước, để yên cho phần tro lắng xuống dưới rồi lấy phần nước để tưới cây. Khi được uống loại “nước tiên” này, tốc độ sinh trưởng của cây sẽ được cải thiện đáng kể, lá bóng mượt và cây sẽ ra hoa nhiều hơn. Đặc biệt dùng vào mùa đông, nước tro còn giúp cây tăng sức đề kháng, đóng vai trò giữ ấm, từ đó giúp cây chống chọi qua mùa đông.