Mới đây, trên một diễn đàn mạng xã hội đăng tải hình ảnh buổi họp phụ huynh với dòng chú thích: "Có thể bạn không tin nhưng đây là quang cảnh buổi họp phụ huynh lớp mẫu giáo". Không tin là bởi thay vì ngồi lắng nghe chia sẻ từ phía thầy cô thì nhiều bậc cha mẹ lại chăm chú nhìn vào điện thoại.
Ngay khi bức ảnh được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều phản hồi từ dư luận, đặc biệt là các bậc làm cha làm mẹ. Một bộ phận các bậc phụ huynh rất phê phán và kịch liệt phản đối việc làm việc riêng trong giờ họp cho con.
Một bạn cho biết: "Mang tiếng đi họp cho con nhưng ai cũng cắm đầu vào điện thoại. Tôi đi họp phụ huynh chứng kiến nhiều rồi. Không có ý thức tôn trọng giáo viên".
Hay một ý kiến khác :"Thế mới thấy ảnh hưởng của công nghệ là không chừa một ai. Muốn được tôn trọng thì trước hết phải tôn trọng người khác".
Và một bình luận tương tự: "Xã hội thời công nghệ này nhìn mà thương bọn trẻ. Nhiều lúc thấy bố mẹ đưa đi ăn gọi đồ cho con, tay vẫn cầm điện thoại. Đồ ra đưa con ăn, tay vẫn điện thoại... lúc nào cũng điện thoại. Tình yêu thương vẫn còn nhưng sự quan tâm gần như rất ít".
“Cả năm mới đi họp phụ huynh cho con một đến hai lần, vậy nên nghỉ một buổi làm để đi họp cho con một cách nghiêm túc không phải là khó khăn. Hơn nữa, đi họp nghe các cô giáo nhận xét về từng cháu một rất cụ thể, nếu không nghe sao biết con mình đi học như nào”, chị Thu Trà có con đang học lớp mẫu giáo 4 tuổi cho biết.
Chị Lê Thanh Huyền, có con học lớp 3 tại một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: "Hôm qua tôi đi họp phụ huynh cho con. Cô giáo nghiêm lắm, không cho ai nói chuyện. Ai vừa nói gì bị nhắc luôn chứ không có chuyện cúi mặt vào điện thoại đâu. Họp cũng nhanh, đưa ra các vấn đề để giải quyết xong rồi thôi".
Trong khi đó, cũng có phụ huynh cho rằng điều này là bình thường: "Đến nghe cô giáo nhận xét góp ý tình hình con mình là thôi chứ. Ngồi nghe cô nhận xét mấy chục đứa thì đến bao giờ. Họp phụ huynh có gì đâu, chủ yếu là thông báo nộp tiền".
"Tôi thấy những việc sử dụng điện thoại trong giờ họp cho con không phải là hiếm. Nhất là những ông bố đi họp cho con, người đến ngồi chơi game, nhiều người vào mạng đọc báo, rồi thi thoảng có người chạy ra ngoài nghe điện thoại”, anh Ngô Văn Mạnh (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết.
Nói về vấn đề họp phụ huynh đầu năm, nhiều phụ huynh lên tiếng rằng việc đi họp chỉ là đi cho có và nhận thông báo từ nhà trường chứ không phải là cuộc trao đổi 2 chiều.
Phụ huynh có tên P.H.D. ở Hà Nội nhận xét, nội dung cuộc họp phụ huynh không thực sự là cuộc trao đổi 2 chiều mà hầu như chỉ nhận thông báo của nhà trường thông qua giáo viên và ban phụ huynh. Mọi ý kiến phản hồi rất ít khi đến và được giải quyết từ thầy cô, nhà trường. "Có lần tôi đi họp cho đứa con út học cấp 1, tôi phản đối sự không minh bạch của việc xã hội hóa còn bị lãnh đạo nhà trường lấy ví dụ về sự thiếu hiểu biết", phụ huynh này bày tỏ.
Bởi vậy, các bậc cha mẹ đi họp phụ huynh chán là vì chỉ để lắng nghe và không dám phản ứng vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con. Anh D. rất mong họp phụ huynh là một buổi họp dân chủ, phụ huynh được nghe, được ý kiến và được phản hồi đầy đủ.
Đồng thời : "Nhà trường phải có trách nhiệm, giải trình những thắc mắc một cách triệt để. Cái gì thuộc quy định phải trích dẫn, cái gì thuộc nhà trường phải rõ ràng, đồng thuận, tránh áp đặt và có thái độ kì thị khi bị phản ứng..." anh D. nhấn mạnh.
Thực tế không ít cha mẹ phản hồi tiêu cực về buổi họp phụ huynh hiện nay như chán, chẳng có gì, đi họp hay không cũng được... và đặc biệt là đi họp chỉ để thông báo nộp tiền.
Tuy nhiên, bên phía nhà trường và giáo viên lại đưa ra ý kiến hoàn toàn khác. Họ cho rằng, bản thân giáo viên đã cố gắng hết sức để buổi họp thành công, phụ huynh lắng nghe, nhưng nhiều phụ huynh vẫn làm việc riêng.
Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên trường mầm non Bình Minh (Từ Liêm- Hà Nội) bộc bạch: "Mỗi lần tổ chức họp phụ huynh thì giáo viên luôn cố gắng hết sức để buổi họp diễn ra thành công và hiệu quả. Nội dung cuộc họp thực sự là cuộc trao đổi 2 chiều giữa giáo viên và các bậc phụ huỵnh. Nếu chỉ mình giáo viên “độc thoại” thì có thể thấy rằng đó không phải là đích hướng tới của việc tổ chức buổi họp”.
Cũng theo lời cô Hương, tình trạng phụ huynh, người nhà họp nhiều ca cho các cháu, hay trong giờ họp mà chỉ xem điện thoại thì ở cương vị bất cứ cô giáo nào cũng đều cảm thấy rất buồn và thấy mình không được tôn trọng. Họp phụ huynh mà phụ huynh làm việc riêng là chứng tỏ họ không quan tâm đến những gì giáo viên nói.
Cô Bùi Phương Thảo, một giáo viên cấp 2 cho biết, buổi họp phụ huynh ngày hôm qua 11/9 không thể nào quên vì phụ huynh tranh cãi nhau ầm ĩ. "Ai cũng tranh bày tỏ ý kiến và với một người làm giáo viên thì mình phải kiên nhẫn lắng nghe và giải đáp. Thậm chí, bản thân còn phải chấp nhận những lời nói khó nghe từ phía phụ huynh", cô Thảo bày tỏ.
Trao đổi về vấn đề này, Cô Nguyễn Thị Ánh, giáo viên cấp 2 chia sẻ, đã nhiều năm dạy học, mỗi năm cô chủ nhiệm một lớp và thường các buổi họp đều diễn ra rất sôi nổi, nghiêm túc.
“Còn việc nhiều phụ huynh cho rằng đi họp chỉ nghe đóng tiền là xong, đây là một quan điểm hoàn toàn không đúng đắn. Việc họp phụ huynh đầu năm cho các em học sinh có ý nghĩa rất quan trọng, thường giáo viên sẽ nhận xét về tình hình của từng em học sinh trong lớp, cùng với đó là công bố những phương hướng dạy học đề ra trong năm tới của nhà trường. Còn việc đóng học phí chỉ là một phần của thông báo, trong khi đó các khoản đóng góp đều theo quy định của nhà nước”.
Đặc biệt, trong cuộc họp nhiều ý kiến phát biểu hay góp ý của phụ huynh đều được giáo viên tiếp thu và có câu trả lời thỏa đáng, những vấn đề phụ huynh thắc mắc đều được giải trình một cách triệt để. “Cái gì thuộc quy định phải trích dẫn, cái gì thuộc nhà trường phải rõ ràng, tất cả trên quan điểm đồng ý của tất cả phụ huynh”, cô Ánh cho biết thêm.
Qua đây, có thể thấy một thực trạng đang xảy ra đó là vấn đề bất đồng quan điểm giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Làm cách nào để những lần họp phụ huynh tiếp theo thành công?, đây có lẽ sẽ là bài toán cần cả 2 bên là giáo viên và phụ huynh học sinh cùng chung tay giải đáp.