Có không ít những bậc cha mẹ luôn dõng dạc khẳng định bản thân luôn đối xử công bằng với tất cả các con và không thiên vị bất cứ đứa con nào. Tuy nhiên trên thực tế thì lại hoàn toàn khác với điều chúng ta luôn nhận định.
Theo một khảo sát tại đại học Cornell - viện nghiên cứu tư thục nổi tiếng tại Mỹ, đã đưa ra kết quả rằng, có khoảng 70% các bà mẹ có thể dễ dàng chọn được một đứa trẻ mà họ cảm thấy thân cận và gần gũi nhất và khoảng 15% những đứa trẻ đã chia sẻ rằng chính bản thân chúng đã một lần từng cảm thấy bị phân biệt đối xử bởi chính cha mẹ của mình. Vậy có thật sự cha mẹ luôn đối sử công bằng với các con nhưn bản thân khẳng định và tầm quan trọng của sự công bằng giữa các con quan trọng như thế nào?
Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu công bằng của cha mẹ với con cái
- Do đặc điểm tính cách: Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có những tính cách riêng biệt, những trẻ có tính cách tương đồng với bố mẹ nhiều hơn thì thường sẽ có xu hướng muốn chia sẻ cùng nhau nhiều hơn và tạo nên tình cảm với cha mẹ bền chặt hơn. Còn những đứa trẻ ngược lại với tính cách của cha mẹ sẽ không có nhiều thứ để chia sẻ và tự động đẩy mình ra xa, nếu cha mẹ không kịp thời để ý và quan tâm đến.
- Do khoảng cách sinh hoạt: Những đứa trẻ được lớn lên dưới sự chăm sóc của cha mẹ, ngày ngày luôn cận kề bên cha mẹ thì tình cảm cũng từ đó mà lớn hơn so với những đứa trẻ như anh chị phải đi học và làm việc xa nhà hay có xu hướng được ông bà chăm sóc nhiều hơn. Chính vì vậy mà có nhiều gia đình sẽ thiên vị con út hơn những đứa con khác.
- Quan điểm sống: Nếu con và bố mẹ không có chung quan điểm sống, định hướng và suy nghĩ khác nhau sẽ rất dễ phát sinh bất hòa, khó khăn trong việc trò chuyện hay trao đổi với nhau. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến sự thiên vị của cha mẹ.
- Do quan điểm trọng nam khinh nữ: Ở các nước Châu Á, do vẫn còn còn chịu ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ cũ từ Nho giáo. Nên có không ít những bậc cha mẹ có suy nghĩ "đẻ con gái như bát nước đổ đi" nên luôn có thái độ phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, thiên vị con trai nhiều hơn.
- Do thứ tự anh chị em: Theo kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thứ tự anh chị em cũng sẽ ảnh hưởng đến tình cảm mà bố mẹ dành cho con cái. Xu hướng của nhiều gia đình là bố mẹ thiên vị con cả và đứa con út hơn những đứa con ở giữa.
Những tổn thương tâm lý đối với trẻ
Tâm lý của trẻ thường sẽ rất dễ bị tổn thương, vì vậy khi cha mẹ không công bằng gây nên những ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ không thể cảm nhận được tình yêu thương thường sẽ rất dễ nảy sinh sự căm phẫn, tức giận và có nhiều nguy cơ gặp vấn đề trầm cảm.
Thậm chí có những đứa trẻ còn xuất hiện tâm lý ganh tị với tình yêu thương mà những đứa trẻ khác nhận được từ cha mẹ và điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến mối quan hệ của các anh chị em trong gia đình. Sự ganh ghét này rất khó có thể thay đổi, thậm chí nó có thể kéo dài cho đến khi họ trưởng thành, nhất là trong các tình huống mâu thuẫn giữa các con mà không được cha mẹ giải quyết công bằng.
Ngoài ra, sự không công bằng của cha mẹ cũng ảnh hưởng lớn đến hành trình phát triển trẻ. Theo đó, khi con cảm thấy bản thân không nhận được nhiều sự chăm sóc, quan tâm và yêu thương của cha mẹ bằng những đứa trẻ còn lại thường sẽ có xu hướng tìm đến những điều giúp bản thân có thể quên đi như sử dụng thuốc lá, bia rượu, cách chất kích thích, đặc biệt trong độ tuổi vị thành niên.
Nếu cha mẹ có hành vi đối xử không công bằng với con sẽ khiến chúng khó có thể quên được, mà sẽ nhớ mãi, thậm chí nó còn ăn sâu vào tiềm thức khiến trẻ có suy nghĩ mình bất tài, vô dụng, đáng bị xem thường, từ đó dần dần thu mình lại. Khoảng cách của cha mẹ và con cái đã xa ngày càng xa nếu cha mẹ không phải là người tiến gần đến con.
Cha mẹ cần phải làm gì để không bị rơi vào tình trạng đối xử không công bằng giữa các con
1. Không bao giờ hoặc giảm thiểu tối đa những áp đặt thứ tự chưa đúng về ưu tiên hay được quan tâm hơn như "trẻ nhỏ được ưu tiên hay trẻ lớn phải nhường". Nó sẽ khơi lên lòng đố kị giữa các con và đứa trẻ được chiều hơn cũng sẽ có thể trở nên kiêu căng hơn với đứa còn lại và dẫn tới mâu thuẫn.
2. Luôn lắng nghe tất cả các con. Khi con có những phàn nàn lẫn nhau hoặc chúng đánh nhau, trong đó chúng đề cập đến việc chỉ trích nhau và cố lôi kéo cha mẹ bênh vực một bên, ví dụ như "chị đánh con, mẹ đánh chị đi mẹ", bạn hãy cố gắng không thể hiện cảm xúc lên bất kỳ đứa nào và đưa lời trách mắng ngay, mà hãy dẫn các bé ngồi xuống và tiếp thu cảm xúc và suy nghĩ của mỗi trẻ về lý do tại sao chúng có suy nghĩ khác biệt, để các con tự giải quyết, và cho lựa chọn.
3. Nên cho một lời giải thích với con nếu bạn cần đối xử khác biệt với em hoặc với chị trong tình huống đặc biệt . Chẳng hạn như khi một đứa trẻ bị ốm, bị tổn thương hoặc có nhu cầu đặc biệt. Cha mẹ hãy giải thích với bé còn lại để tránh mọi hiểu lầm như "chị bị sốt và mệt, con giúp mẹ quạt cho chị nhé và đêm nay mẹ ngủ với chị để tiện chăm sóc chị, con ngủ với bố nhé"
4. Tránh so sánh con cái: Việc thể hiện sự so sánh như "tại sao con không giống chị, chị con ngoan hiền biết bao?" sẽ thiết lập một so sánh không công bằng. Cha mẹ chỉ nên cố gắng tập trung vào những gì mỗi đứa trẻ làm tốt, đừng dùng cái tốt của đứa này để chỉ trích hoặc so sánh với đứa kia.
5. Dành thời gian riêng cho từng trẻ: Cha mẹ hãy cố gắng dành 10 phút mỗi ngày để dành riêng cho từng đứa trẻ và khiến chúng cảm nhận được sự quan tâm đầy đủ của bạn.
6. Hãy dạy các con hợp tác cùng nhau trong vui chơi, giải quyết vấn đề, quan trọng là giải quyết xung đột xảy ra phải công bằng và lắng nghe trẻ, cho chúng nhận xét lỗi sai-đúng của bé còn lại. Chẳng hạn, hai bé có thể cùng chơi một trò chơi xếp hình, xếp gỗ... quy định luật chơi, phạt - thưởng công bằng dù ai lớn ai nhỏ.