"Chợ tình" Sapa và những đám cưới... trẻ con

19:06, Thứ tư 12/03/2014

( PHUNUTODAY ) - Mỗi tuần "chợ tình" Sapa họp một lần vào tối thứ bảy. Có nhiều cô bé, cậu bé mới chỉ 13, 14 tuổi ở bản, xuống “chợ tình” tìm bạn. Thầy giáo phải đi trong đêm để đến nhà học sinh khuyên cha mẹ nên cho em đi học tiếp, lấy chồng sau...

Tuổi vị thành niên nhưng, “bọn trẻ” cũng háo hức khám phá “chợ tình” như người lớn.

Đi “chợ tình” từ... chiều hôm trước

Chiều phố núi ngắn hơn dưới miền xuôi bởi mới 5h mà giá lạnh và sương mù đã bao phủ. Bất chấp điều đó, nhiều cô, cậu chỉ 13-14 tuổi ở bản vùng cao đã đi bộ cả chục km xuống thị trấn để đến “chợ tình”. Tuổi vị thành niên nhưng, “bọn trẻ” cũng háo hức khám phá “chợ tình” như người lớn.

Từ 18h chiều, dưới phố và ở sân nhà thờ đã thấy rất nhiều phụ nữ đầu quấn khăn đỏ tươi và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy cùng với những vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên vai áo.

Hấp dẫn hơn nữa là có những tiếng reo theo mỗi bước chân, từ những chùm lục lạc đồng xinh xắn đính trên những chiếc khăn choàng đầu.

Ðối tượng của họ là những chàng trai người Dao, người Mông trong trang phục áo chàm, khăn cũng cùng màu.

“Nhà em ở bản Tả Phìn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 15km, gần một tháng nay, tối thứ bảy nào em cũng xuống “chợ tình” để thổi khèn... tìm bạn. Ở bản của em, nhiều người cũng tìm được vợ thông qua “chợ tình” tối thứ 7 này”. Một cậu bé khoảng 14 tuổi khi cậu đang cùng bạn tập thổi khèn ở sân nhà thờ đá.

Vẫn như thường lệ, “chợ tình” Sa Pa họp từ 21h tối cho hết đêm. Tuy nhiên, khoảng 19h tối, sân vận động nằm giữa trung tâm thị trấn đã rất đông người. Họ phần lớn là những người trẻ ở các bản lân cận về đây để “họp” chợ tình. Con trai thì mang khèn, mang sáo đi thổi, con gái thì mang ô đi để múa theo điệu khèn, theo nhạc điệu của kèn lá.

Bác Na – một người dân sống gần “chợ tình” Sa Pa cho biết: “Tối thứ 7 nào “chợ tình” cũng họp. Phần lớn, người đến đây là những cô bé, cậu bé mới lớn. Ngày trước, còn có chuyện vừa thổi khèn, múa ô, vừa xin tiền du khách từ phương xa. Bây giờ thì không, vì đội Quy tắc của thị trấn đã dẹp nên giờ bọn trẻ đến đây chỉ thổi khèn và múa ô thôi. Đúng là có chuyện nhiều em học sinh người Mông, người Dao xuống đây để... tìm bạn tình. Vì người vùng cao lấy vợ, lấy chồng rất sớm. Đang học THCS, những cô gái, cậu trai bỏ học, ở nhà lấy chồng, lấy vợ là chuyện bình thường ở đây...”.

Thấy cậu bé đang ngồi xem bạn thổi kèn lá bên góc nhà thờ, tôi tiến đến bắt chuyện, cậu trả lời bằng một giọng lơ lớ, chưa rõ tiếng Kinh: “Em tên là Lù A Vía, đang học ở trường THCS Can Hồ A, xã Bản Hồ, Lào Cai. Ngày cuối tuần, em theo bạn và các anh xuống thị trấn để thổi khèn tìm bạn. Em đi “chợ tình” từ 17h chiều. Ở trường, cô giáo vẫn bảo là không nên lấy vợ sớm, nhưng bố mẹ em lại muốn em lấy vợ sớm để vợ về làm nương rẫy cho gia đình. Cái bụng em cũng ưng nên dắt cái chân lên “chợ tình” tìm người yêu...”.

Có nhiều trường hợp thầy (cô) biết học sinh của mình sắp lấy chồng, đã phải tức tốc đi trong đêm để đến nhà học sinh khuyên cha mẹ nên cho em đi học tiếp, lấy chồng sau...

Những đám cưới... trẻ con

Càng về khuya, chợ tình vùng cao càng đông người. Len lỏi vào đám đông ở chợ tình một cậu bé đang thổi khèn, bên cậu là một cô gái cầm ô múa vòng quanh. Sau tiếng khèn mời gọi, một số cậu bé khác cũng vào vòng trong để thổi khèn bên cạnh một cô bạn gái mới quen.

Cứ thế, khoảng sân rộng ở trung tâm thị trấn Sa Pa sôi động với những màn biểu diễn của các cặp đôi mới lớn. Lù A Vía cho biết: “Các cô gái múa ô bên cạnh kia là “người yêu” của những bạn thổi kèn. Họ tìm thấy nhau từ những phiên “chợ tình” trước đó và tối thứ 7 nào cũng hẹn nhau xuống “chợ tình” để tâm sự. Họ hiểu nhau tới nỗi, nghe tiếng khèn là biết có phải người yêu mình thổi hay không...”.

Kết thúc một bài hát của người Mông, một vài cậu bé dẫn “người yêu” của mình tản ra xung quanh để trò chuyện, tâm sự để rồi sau đấy lại biểu diễn vài bài hát nữa. Một cậu bé vừa thổi khèn trong đám đông tiếp chuyện với tôi: “Em tên là Giàng A Phông, học ở trường THCS xã Sa Pa, nhà em cách thị trấn 7km. Em được ông dạy thổi khèn từ bé, người Mông biết thổi khèn là biết cách đi tìm vợ. Em xuống “chợ tình” để tìm bạn gái. Mẹ bảo, vừa lấy vợ, vừa đi học cũng được...”.

Theo A Mí  (hướng dẫn viên du lịch):  hiện nay, tình trạng người Mông, người Dao lấy vợ, lấy chồng sớm khá phổ biến. Cuộc sống của người dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi, họ đã biết đến con chữ, trường lớp. Họ cũng đã tiếp cận và tiếp thu những tinh hoa văn hóa dân tộc bên cạnh văn hóa của dân tộc mình. 

Việc không được đầu tư thời gian cho học tập cùng với những khó khăn khác có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng học tập chưa cao nên nhiều em đã từ bỏ con đường học tập sớm, từ đó các em cũng kết hôn sớm hơn so với độ tuổi quy định.

Nhiều bố mẹ đã gả con mình khi mới 13, 14 tuổi. Hoặc là “xúi” con hàng đêm, xuống “chợ tình” tìm bạn. Vì thế những đám cưới “trẻ con” ấy cũng xảy ra nhiều bi kịch mà nhiều người ngao ngán.

15 tuổi chuẩn bị đón đứa con thứ 3 chào đời (Ảnh minh họa).

15 tuổi chuẩn bị đón đứa con thứ 3 chào đời

A Mí cho biết, phong tục của người Mông là con trai, con gái chỉ ở độ tuổi 13-15 là dựng vợ gả chồng. Cứ bắt đầu tháng 12 dương lịch, người Mông lại ăn tết theo phong tục tập quán của họ. Trong các ngày tết Mông có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như chơi cù, chơi khẳng, các lễ hội khác... nhưng không thể thiếu tục “bắt vợ”.

Chính vì vậy mà năm nào cũng có nhiều chục đôi cưới xin theo hình thức tảo hôn. Không những thế, những buổi đi chơi tự do như ở “chợ tình” Sa Pa cũng khiến nhiều cô bé, cậu bé tầm tuổi 13 nên vợ nên chồng. Có cô bé 16 tuổi mà làm mẹ của 2 đứa con và chuẩn bị có đứa thứ 3.

Theo chỉ dẫn của dân bản Tả Phìn, chúng tôi men theo sườn dốc để vào nhà vợ chồng trẻ Giàng A Ly và Hát Thị Hua.

Năm nay Hua vừa tròn 15 tuổi, còn chồng cô cũng mới 16 tuổi, cả hai vợ chồng đã có hai cậu con trai. Hàng ngày Ly vào nương rẫy làm với bố mẹ, còn Hua ở nhà trông con và nấu cơm.

Hua tâm sự, ngày trước, cô cũng thường xuyên đi “chợ tình” ngoài thị trấn để nghe thổi khèn, và quen Ly cũng ở “chợ tình”. Sau một mùa trăng, thì gia đình A Ly lên hỏi cưới cô làm vợ, vậy là từ đó, cô nghỉ học, ở nhà nấu cơm và sinh hai cậu con trai. Hỏi cô có muốn đi học nữa không, cô trả lời: “Bố em bảo, con gái là phải đi lấy chồng, học nhiều không đủ cơm nuôi nên em đồng ý lấy A Ly. Người Mông xuống “chợ tình” tìm bạn rồi lấy nhau, có con với nhau là ý của Giàng rồi...”.

Nửa đêm đến nhà học sinh ngăn... lấy chồng

Thầy Mai Văn  Ban, giáo viên trường THCS San Sẻ, Sa Pa, Lào Cai cho biết: “Người Mông có tập tục lấy vợ, lấy chồng sớm nên rất nhiều học sinh trong trường đã phải bỏ học để lập gia đình. Trong mỗi giờ sinh hoạt, các thầy cô giáo cũng tuyên truyền, giáo dục các em về hôn nhân gia đình, để thay đổi dần nhận thức của các em. Chúng tôi xác định, đây là một chiến lược lâu dài nên không thể một sớm một chiều thay đổi ngay được. Ở trường có cả trường hợp giáo viên biết học sinh của mình sắp lấy chồng, đã phải tức tốc đi trong đêm để đến nhà học sinh khuyên cha mẹ nên cho em đi học tiếp, lấy chồng sau...”.                                   

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link