Vào vai một người đi xin con, Phóng viên đã có dịp chứng kiến những hoàn cảnh trớ trêu của những bà mẹ bất đắc dĩ.
Anh Phụng và những việc làm thầm lặng của anh.
Đúng giờ, tôi và anh Phụng bước vào quán cà phê trên đường Wừu (thành phố Pleiku, Gia Lai). Nhìn thoáng qua trong quán không khó để nhận ra cô gái như đã hẹn. Một cô gái trẻ, bụng đang mang bầu ngồi trầm tư bên ly cà phê.
Thấy chúng tôi, cô gái trẻ mang bầu đứng dậy cúi đầu chào. Được anh Phụng giới thiệu tôi là một người trong nhóm của anh chuyên đi nuôi các bà bầu một thân một mình, có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu cô gái trẻ có chút e ngại, nhưng sau một hồi giải thích cô bắt đầu mở lời. Cô tên Thảo quê ở Đắk Lắk, “em được người quen giới thiệu số điện thoại của anh Phụng, em đã lặn lội từ Đắk Lắk sang đây” Thảo kể.
Theo Thảo cô và người yêu mới chia tay nên cô muốn cho đứa con trong bụng mình. Thảo đã mang bầu được hơn 6 tháng. Sợ gia đình biết nên Thảo trốn gia đình một thời gian, sau khi sinh và cho con xong thì về nhà.
Thảo muốn rủ bỏ đứa con trong bụng mình nhưng vì thai nhi đã quá lớn nên không phá được nữa. Do đó, Thảo tìm đến anh Phụng như là một lối thoát.
Nhiều hoàn cảnh đã được anh và những người bạn giúp đỡ.
Như trường hợp của Thảo, thì anh Phụng phải bỏ tiền túi của mình lo cho Thảo từ đây cho đến khi sinh “mẹ tròn con vuông”. Anh Phụng nói: “Tôi sẽ cố gắng khuyên bảo Thảo sinh ra hãy nuôi lấy con. Còn chi phí ăn ở, sinh đẻ tôi sẽ lo tất. Nếu Thảo nhất quyết bỏ con, tôi sẽ tìm nơi nuôi đứa bé điều kiện tốt nhất”.
Trường hợp của Thảo không phải trường hợp duy nhất mà anh Phụng từng giúp đỡ. Trong 10 năm qua, anh Phụng cũng gặp nhiều chuyện trớ trêu, có cô không chỉ một lần mà có khi đến 3, 4 lần phá bỏ thai nhi. Như trường hợp cô bán vé số dạo, 3 lần mang thai ngoài ý muốn, 2 lần phá bỏ. Đến lần thứ ba, anh Phụng khuyên bảo và đứng ra chịu trách nhiệm lo thuốc men chăm sóc cho cô và thai nhi cho đến khi sinh. Khi sinh xong cô bán vé số vội đi mất, để lại anh và đứa bé mới sinh. Trước tình huống dở khóc dở cười, anh nhận về gửi cháu lên chùa nhờ các sư cô nuôi dưỡng.
Đứa bé đầu tiên anh nhận làm con nuôi là năm 2005. Khi cô gái vừa sinh xong, một thân một mình ở bệnh viện. Cô gái muốn giao đứa bé lại cho anh, nhưng không phải cho không. “Chú cho con một triệu đồng trả tiền viện phí, một triệu đồng mua thuốc men, một triệu đồng đi xe về, một triệu đồng bồi dưỡng sau khi sinh…”. Anh Phụng đã vui vẻ nhận lời cô gái và nhận làm cha nuôi của cháu, đặt tên là bé Triệu, gởi vào chùa Bửu Sơn (TP. Pleiku), năm nay bé Triệu đã học lớp 3.
Những trường hợp thai nhi được anh cứu giúp từ trong bụng mẹ, để tránh đi bị tước quyền được sinh ra và sống, con số đã lên tới 9 cháu. Các cháu hiện tại được anh gửi ở các chùa nuôi và giao cho những người hiếm muộn nhận làm con nuôi. Có cháu, năm nay đã đi học lớp 4, và xem anh phụng như ba nuôi. Điều đáng nói, 9 người mẹ sinh ra các cháu đều được anh tự bỏ công, bỏ tiền ra nuôi từ khi biết có bầu đến khi sinh ra, “phải nuôi thôi, chứ các cô đó một thân một mình, chỉ nghĩ đến việc phá bỏ, tôi khuyên bảo nhiều các cô mới chịu để lại sinh” anh Phụng nói.
Niềm vui lớn nhất của anh Phụng, chính là sau những lần gặp gỡ anh khuyên được những bà mẹ trẻ sinh ra và nuôi lấy con. Ngoài hỗ trợ tinh thần và cả vật chất đến khi các cô sinh “mẹ tròn con vuông” nếu khó khăn thì được anh nhận bảo trợ luôn cho cháu bé. Giờ đây, có nhiều trường hợp hai mẹ con đã tìm về đến anh. Họ xem anh là những bố nuôi, ông ngoại.