Trong vai một người mở phòng khám sản phụ khoa, đang cần tìm người và tìm nơi để lo việc hậu sự cho các thai nhu như các phòng khám thai bình thường khác vẫn làm. PV được người dân xã Kim Chung (huyện Đông Anh, HN, nơi có khu công nghiệp Bắc Thăng Long) giới thiệu đến gặp ông Trần Văn Thế, người dân thôn Tây Bầu làm quản trang tại nghĩa trang xã Kim Chung.
Sau một hồi trò chuyện, ông Thế cho biết, các phòng khám trong xã đều làm việc với quản trang về việc chôn cất các thai nhi. Vì vậy nếu cứ có vụ việc là họ gọi điện cho ông Thế 24/24, bất kể giờ giấc nào cũng đều có một đội đến làm nhanh gọn và chuyên nghiệp. Giá để lo việc hậu sự cho các thai nhi là từ 150.000- 350.000/ca.
Theo chân ông Thế ra nghĩa trang xã Kim Chung, PV được dẫn vào góc trong cùng của nghĩa trang, đây chính là nơi dành để an táng cho những thai nhi xấu số.
Tại đây, có khoảng vài chục nấm mồ được xây, chát sơ sài, tất cả đều có bia ghi tên và ngày mất. Nằm sâu nữa bên trong, qua một đường đi cỏ mọc lút đầu người là la liệt những nấm đất chỉ lùm lùm chồi lên khỏi mặt đất một chút, những nấm mồ này không một dòng chữ, không một bia mộ.
Nơi chôn cất những hài nhi xấu số vô cùng lạnh lẽo. |
Theo lời ông Thế thì những nấm mồ có ghi tên và ngày mất là những thai nhi tuy bị cha mẹ “khai tử” nhưng vẫn may mắn hơn là sau khi bị đưa ra khỏi bụng mẹ còn được người mẹ lo hậu sự. Còn những nấm mồ vô danh thì do phòng khám làm việc với quản trang và không có ai thừa nhận.
Ông Thế cũng cho biết, các nấm mồ thai nhi này phần nhiều là 5-6 tháng tuổi, có những thai nhi to thì 7 tháng tuổi. Nhưng do các nữ công nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, người thì bạn trai bỏ, người thì bị lừa, người thì bạn trai không đồng ý cho sinh con… Cũng có những thai nhi do dị tật bẩm sinh, do chết lưu trong bụng mẹ, "nhưng số đó cực kì ít", ông Thế nói.
Đứa trẻ thoi thop thở vài giờ mới "ra đi"
Vừa thắp hương lên mộ cho những hài nhi, ông Thế vừa kể cho PV nghe những câu chuyện thương tâm cứ ám ảnh trong tâm trí ông.
“Câu chuyện khiến tôi đau lòng nhất trong 4 năm làm quản trang là chuyện của một cô công nhân tầm 18-19 tuổi, có thai đã được 7 tháng rồi mà vẫn đến phòng khám xin giải quyết. Vì thai quá lớn nên phòng khám họ đành cho sinh non chứ không nạo hút được.
Đứa bé khi bị đưa ra ngoài vẫn còn thoi thóp thở và sống được cả giờ đồng hồ nữa rồi tim mới ngừng đập. Khi đưa thai nhi đi chôn cất, cô cũng đi cùng mọi người và nghẹn ngào cho biết, vì bạn trai không đồng ý sinh con nên cô phải bỏ. Do còn quá trẻ và sợ hãi mà cô không kịp ý thức rằng, chỉ còn 1 thời gian ngắn nữa là đứa trẻ đó có thể làm người.
Cô run rẩy nói với tôi rằng: “Có lẽ suốt cuộc đời này cháu sẽ không bao giờ yên lòng được. Hình ảnh đứa bé nằm tím tái, thoi thóp sẽ ám ảnh lương tâm của cháu mãi…”.
"Mong giới trẻ hãy sống ý thức hơn với chính mình và xã hội, tránh những hậu quả đáng tiếc cho những sinh linh bé bỏng". |
Cô gái trẻ này còn có tiền lo hậu sự cho thai nhi, nhưng nhiều nữ công nhân khác không có tiền, hoặc do sự vô tâm của tuổi trẻ mà sau khi “giải quyết” xong, họ coi như thoát được nợ, không quan tâm đến việc bào thai mình vừa vứt bỏ sẽ được xử lí như thế nào.
“Tôi còn nhớ như in trường hợp một cô công nhân, cô này vay mượn mãi mới đủ tiền đi phá thai. Hôm đó, như thường lệ tôi đến phòng khám này để thu gom xác hài nhi đưa đi chôn cất. Vừa bước vào phòng thì một cô gái dáng người nhỏ nhắn, sắc mặt xanh mướt đang nằm trên giường bỗng nhiên quỳ xuống, run rẩy nắm tay tôi yếu ớt xin tôi làm phúc chôn cất thai nhi đã 6 tháng tuổi.
Cô cho biết, cô không đủ khả năng để chi trả cho việc này. Hoàn cảnh cô này là do bị bạn trai lừa, khi biết cô ta có thai thì người bạn trai ấy đã bỏ đi không một lời từ biệt. Cô gái cũng muốn giữ lại cái thai, nhưng còn đang trong thời gian thử việc, mà quy định của công ty là khi kí hợp đồng làm việc lâu dài phải cam kết không sinh con trong vòng 2 năm. Thân cô thế cô, không dám quay về quê sinh con, cô gái đành vào đây phá bỏ cái thai để tiếp tục làm việc kiếm sống…”.
Làm quản trang là nghề tiếp xúc với sự thương tâm, chết chóc, nhưng theo ông Thế, có lẽ việc chôn cất thai nhi là điều buồn và khó khăn đối với ông.
“Có lẽ cái tội duy nhất của những bào thai ấy là việc chúng xuất hiện không đúng thời điểm, bởi vậy chúng bị tước đi quyền được sống làm người. Đau xót lắm, trong khi có những cặp vợ chồng mong mỏi mãi mà không có con, thì lại có nhiều người đang tâm phá bỏ đứa con do chính mình tượng hình. Khâm niệm cho những xác hài nhi 6-7 tháng tuổi tím tái, co quắp mà tôi không khỏi rơi nước mắt. Mong giới trẻ hãy sống ý thức hơn với chính mình và xã hội, tránh những hậu quả đáng tiếc cho những sinh linh bé bỏng..”, ông Thế ngậm ngùi nói.