Cò nhà trọ
Tại cổng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sáng nay, bên cạnh những phụ huynh đứng đợi con làm thủ tục thi, còn có những “cò” nhà trọ giá rẻ. Theo phản ánh của những sinh viên tình nguyện nơi đây, những người từ quê lên muộn, chưa tìm được nhà trọ để ở trong những ngày thi là đối tượng của những “cò” này.
Sĩ tử phải chịu cảnh chật chội, 3-4 gia đình cùng ở một phòng chưa đầy 15m2 |
Ông Tống Văn Chinh cho biết, trong lúc đợi con làm thủ tục, ông đã phải theo những “cò” nhà trọ đi 4-5 nhà trọ xung quanh khu vực trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng vẫn chưa tìm được nhà nào ưng ý. “Nhà nào cũng vậy, không lụp xụp, chật hẹp thì bẩn thỉu. Có nhà trọ còn ghép lẫn lộn 3 đến 4 gia đình một phòng trọ chưa đầy 20m2. Có nhà mẹ đưa con trai đi thi còn bị ghép với nhà có bố đưa con gái đi thi” – ông Chinh chán nản kể lại.
Cò nhà trọ tên Nghi (mũ đỏ) |
Trong vai phụ huynh cần tìm nhà trọ giá rẻ cho em gái đi thi Đại học, chúng tôi tiếp xúc với “cò” nhà trọ tên Nghi (Ngõ 236, Nguyễn Trãi, Hà Nội). Qua trao đổi, bà Nghi cho biết, giá một phòng 2 người ở 3 ngày dao động từ 800 đến 1 triệu đồng. Nếu ở ghép với 2 gia đình khác (4 người) trong một phòng thì chỉ phải trả 100.000 đồng/ngày/người. Đến khi ngỏ ý đi xem phòng, “cò” này cho biết: “Nếu xem phòng mà đồng ý ở luôn thì không nói làm gì. Còn nếu không đồng ý ở thì phải cho tôi xin 40.000 đồng gọi là tiền xăng xe dẫn đường nhé?”.
Nhan nhản tờ rơi quảng cáo nhà trọ giá rẻ. |
Cò tăm tre từ thiện
Nắm bắt tâm lý bỡ ngỡ lần đầu lên Thủ đô cùng mong muốn đỗ đạt của phụ huynh và sĩ tử, nhiều đối tượng lừa đảo xuất hiện ở cổng trường với lý do: bán tăm tre ủng hộ Hội người mù và trẻ em khuyết tật. Mỗi gói tăm vì thế có giá lên đến từ 10.000đ đến 20.000đ, thậm chí lên đến 50.000 đồng một gói.
Em Trần Hoàng Vi (Hiệp Hòa, Bắc Giang) kể lại, sau khi làm thủ tục thi xong, định gọi bố ra đón thì gặp một “tình nguyện viên” của Hội người mù Việt Nam đi… bán tăm từ thiện. “Chị ấy có đưa cho em xem giấy chứng nhận photo rồi bảo em mua tăm ủng hộ sẽ gặp may mắn trong 2 ngày thi tới, đạt kết quả cao. Em cứ nghĩ là một gói tăm cùng lắm là 5 nghìn thôi nên cũng không đắn đo gì nhiều. Nhưng chị ấy lại bảo chị ấy đi quyên góp ít nhất người ta cũng ủng hộ 20 nghìn. Em sợ mình nói mua rồi, sau lại không mua nữa thì không may mắn nên trả tiền”- Vi nhớ lại.
Lừa đảo bán tăm tre cho sĩ tử |
Không chỉ thí sinh mà rất nhiều phụ huynh cũng bị mắc lừa những kẻ xấu này. Trao đổi với chúng tôi, Bác Nguyễn Văn Tâm (Vũ Thư - Thái Bình) mới biết hai cha con đã bị lừa gạt: “Họ nói là thành viên của hội người mù Việt Nam, đi bán tăm gây quỹ ủng hộ người mù nên bác không nghi ngờ gì, mua 2 gói với giá 40.000đ”.
Vẫn còn những tấm lòng thơm thảo
Sau khi đi hết 4-5 nhà trọ mang tiếng giá rẻ nhưng thực ra là đắt xắt cổ, ông Tống Văn Chinh cho biết, mình đã thực sự nản lòng, định “nhắm mắt chọn bừa” một nhà trọ ổn nhất để ở trong 3 ngày. Được những tình nguyện viên tư vấn, ông Tống Văn Chinh cuối cùng đã tìm được chỗ ở mà mình ưng ý. “Phòng ở tầng 3 thoáng mát, điện nước, chăn màn đầy đủ… mà chỉ có 50 nghìn đồng/người/ngày thôi. Thật may mắn” – ông Chinh hồ hởi khoe.
Ông Tống Văn Chinh vui mừng vì tìm được phòng trọ giá rẻ, như ý |
Chị Ngô Thu Hà (Ngõ 328 Nguyễn Trãi, Hà Nội) – chủ nhà trọ ông Chinh đang ở cho biết, năm nào chị cũng dành 5-6 phòng cho sĩ tử lên thi Đại học ở. “Những phòng ở 2 bố con hay 2 mẹ con, tôi chỉ lấy 40-50 nghìn/người/ngày. Còn với những trường hợp khó khăn quá, tôi cho ở miễn phí. Nếu nhiều quá, những người ở miễn phí phải chịu khó ở ghép với nhau, mỗi người chịu chật chội một chút để giúp đỡ người kia. Tất nhiên là nam – nữ phải ở hai phòng riêng biệt nhau.
Nhà tôi trước kia cũng ở dưới quê lên, may mà làm ăn khấm khá mới được như bây giờ, nên tôi rất hiểu phụ huynh vất vả như nào khi lên trên này thi cử. Tôi cũng chỉ mong các em thi cử đỗ đạt, rồi sau này là người tốt trong xã hội thôi” – chị Hà tâm sự.