Sinh ra trong một gia đình có 3 chị em gái, Châu là chị cả. Bởi vậy cô luôn là tấm gương cho các em học tập và noi theo. Thế nhưng, vừa tốt nghiệp lớp 12, Châu đã bày tỏ nguyện vọng không muốn vào đại học mà đi theo sự đam mê của mình là làm...phi công. Với quan niệm không vào đại học thì không làm được gì của xã hội bây giờ, mong muốn của Châu quả thật là một...cú sốc với bố mẹ, nhất là khi cô lại chọn một cái nghề không dành cho phụ nữ.
Khi thấy bố mẹ còn lưỡng lự, cô quyết định...tuyệt thực để "dỗi" cũng như tăng thêm phần thắng của mình. Quả nhiên, với lòng thương con của bố mẹ, cũng như nghe lời khuyên của bạn bè, gia đình Châu đã chấp nhận ủng hộ cô.
Nữ cơ phó Airbus 330 Nguyễn Kim Châu. |
Trong khi các bạn cùng trang lứa đang "dùi mài kinh sử" chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng bậc nhất trong đời thì Châu vẫn ngày ngày đi bơi, chạy bộ, chơi thể thao và học ngoại ngữ. Đây chính là một lịch trình soạn sẵn mà cô phải thực hiện để nâng cao thể lực cũng như trình độ của mình.
Cuối cùng, với sự cố gắng của bản thân, như một giấc mơ - Châu trúng tuyển. Sau khi học trong nước một năm, Châu được chọn để đào tạo phi công ở Pháp vào năm 2009.
Quá tình học lý thuyết lớp học chỉ có một thầy và một trò, với 14 môn như khí tượng thời tiết, động lực học, cơ khí học, cách điều khiển máy bay...Sau khi học xong lý thuyết chính là phần thực hành.
Đây chính là phần gian nan nhất của học viên bởi phải qua được vòng này mới được cấp bằng điều khiển máy bay.
Nói về những buổi học bay đơn - giờ bay bắt buộc đối với mỗi học viên, Châu cho biết: "Khi ở trong buồng lái, khi ở trên cao có thể quên hết mọi thứ từ những niềm vui nho nhỏ, những trạng thái cảm xúc dạt dào ở dưới mặt đất... để chỉ biết rằng mình đang điều khiển, đang bay như một cánh én nhỏ trong bầu trời bao la và vô tận".
Kim Châu và đồng nghiệp trước giờ bay. |
Hiện nay, Vietnam Airlines có gần 1.000 phi công, trong đó có 13 phi công nữ (6 người nước ngoài, 7 người Việt Nam). Ở tuổi 25, Nguyễn Kim Châu hiện là nữ phi công Việt Nam trẻ nhất. Châu đã có thể thỏa ước mơ bay lên bâu trời với vị trí cơ phó Airbus 330 có sức chứa 250 hành khách và có thời gian bay 8-10 tiếng... điểm đến Nhật, Nga, Australia, Hàn Quốc.
Câu chuyện của nữ phi công trẻ tuổi nhất Việt Nam có thể sẽ còn rất dài trên chặng đường sự nghiệp của cô, song những gì cô làm được cho chúng ta thấy rằng: Vào đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp, muốn thành công phải có niềm đam mê và lòng dũng cảm để theo đuổi nó.
Và thực tế những câu chuyện về cách lập nghiệp mà không cần qua con đường đại học vẫn luôn được nhiều bạn trẻ chứng minh một cách sinh động. Chẳng hạn, bạn Nguyễn Viết Tuấn (Thanh Hóa) bỏ Đại học luật để làm đồ handmade, hay bạn Thiện Học (Khánh Hòa) không học đại học nhưng vẫn trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin được nhiều doanh nghiệp biết đến. Tất cả họ đều cho rằng, con đường tốt nhất để thành công là theo đuổi đam mê đến cùng một cách thông minh nhất.