Chia sẻ của chị T. về người mẹ chồng “chuẩn 10” chăm lo cho con dâu từng tí một khiến nhiều chị em phụ nữ ghen tị.
Chị T. kể, mẹ chồng chị vốn gốc Hà Nội. Bố chồng chị ra đi đột ngột khi mẹ mới 39 tuổi và từ đấy, một mình mẹ tảo tần nuôi hai người con trai ăn học thành người.
Những ngày đầu làm dâu, dù chị nấu ăn rất vụng nhưng mẹ chồng cũng không nửa lời trách mắng mà cần mẫn, nhẹ nhàng dạy chị từng chút một:"Chưa biết thì học con ạ! Không có gì mà ngại mà sợ, làm dần sẽ quen tay. Cứ nhìn mẹ hướng dẫn nha!". Nhờ vậy, nay chị đã có thể tự mình bày biện những mâm cơm đầy đủ dưỡng chất, lại trang trí màu sắc rất bắt mắt cho cả nhà.
Mẹ chồng cũng chẳng hề đặt nặng vấn đề phải đẻ cháu trai, cháu gái dù chồng chị là con trưởng trong gia đình:"Con nào cũng quý, cháu nào cũng yêu. Có là tốt lắm rồi!". Ngay khi biết tin chị có bầu, bà không ngừng chia sẻ rất nhiều kiến thức, đưa ra những lời khuyên khoa học về dinh dưỡng mà bà đọc được trên mạng để con dâu biết cách chăm sóc mình tốt hơn.
Rồi cũng từ đấy, bà chăm chút từng bữa ăn, cứ nhắc con dâu ăn món nào tốt, thứ nào bổ dưỡng. Đến váy bầu mẹ chồng cũng tự mua vải về, đêm đêm ngồi đeo kính rồi cắt may cho chị T. Vì trước kia bà từng học nghề may nhưng rồi không theo nghề. Những hôm chị T. đi làm về muộn, mẹ chồng sẽ nấu cơm sẵn, ăn xong còn sai cả con trai đi rửa bát nữa.
Sau khi chị T. sinh bé gái đầu lòng, mẹ chồng lại càng chăm chỉ và nhiệt tình hơn. Bà giành làm hết việc từ tắm cho bé, giặt giũ, cơm nước, dỗ cháu… Bà không để con dâu phải làm bất cứ việc gì, kiêng cữ rất cẩn thận. Bà cũng chẳng hề áp đặt, cứ hỏi ý kiến con dâu trước mỗi bận đi chợ, thích gì thì bà sẽ mua về nấu cho.
Không chỉ vậy, cứ vài tuần bà lại đi chợ Đồng Xuân mua vải về, rồi cắt vải, may váy đôi cho con dâu và cháu gái. Dù chị T. biết, mẹ chồng bị bệnh đau lưng, nhắc bà đừng làm nữa, bà vẫn cứ khăng khăng may. Vì với bà, việc đó là niềm vui nên chẳng hề mệt nhọc gì.
Khác với những cô con dâu khác thường hay than vãn về mẹ chồng, chị T. lại kể một cách say sưa và đầy tự hào. Chị nghĩ, không biết kiếp trước mình tích đức được nhiều thế nào mà kiếp này gặp được người mẹ chồng tâm lý và phúc hậu đến thế.
Không chỉ chị T., chia sẻ của chị N. (Yên Bái) về mẹ chồng cũng được nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Chị sống cùng mẹ chồng đã 10 năm và không hề có ý định ra ở riêng.
Nhớ lại những ngày bỡ ngỡ làm dâu, chị N. tiết lộ, chị không dậy sớm nấu cơm dọn nhà như nhiều nàng dâu khác mà ngủ dậy khá muộn.
Lúc chị dậy, đồ ăn sáng đã sẵn sàng. Người chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà khi đó là mẹ chồng chị. Hai vợ chồng thức dậy chỉ việc ngồi vào bàn ăn.
Mẹ chồng chị thấy vậy, bà không tỏ vẻ khó chịu, chỉ căn dặn hai vợ chồng nên ăn sáng ở nhà và nếu có thể thì về sớm phụ việc bếp núc với bà.
Chị N. tâm sự, giai đoạn vợ chồng chị mới cưới, lương thấp, ông bà còn thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ kinh tế.
Ngày chị N. sinh con trai đầu lòng, người luôn ở bên cạnh chăm sóc, chiều chuộng chị không phải là mẹ đẻ mà là mẹ chồng (bố đẻ chị ốm nên mẹ đẻ không tiện chăm sóc).
Tất cả mọi việc, từ việc ăn uống hàng ngày theo chế độ “bà đẻ”, đến dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa cho cháu bé, mẹ chồng không để chị hay ai phải động tay vào.
Bà nói với chị: “Phụ nữ mới sinh con sức khỏe còn yếu, tâm sinh lý không ổn định nên cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhất là không được căng thẳng”.
Ngoài ra, bà còn dặn con trai phải chiều chuộng, không nặng lời với vợ. Vì thế, trong 3 tháng liền sau sinh, chị N. nói, chị được “an dưỡng” theo đúng nghĩa.
Hết thời gian kiêng cữ, chị N. tiếp tục công việc của một giáo viên mầm non. Tuy vậy, chị vẫn nhận được sự giúp đỡ, động viên chu đáo của mẹ chồng.