Tình trạng dán số điện thoại quảng cáo lên cột điện, bờ tường làm mất mỹ quan đô thị, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ liên quan tới hoạt động tín dụng đen đang diễn ra rất phổ biến. Chưa kể, nhiều mẫu quảng cáo, rao vặt còn có tình trạng cung cấp thiếu thông tin hoặc không chính xác về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, gây hiểu nhầm hoặc lừa gạt người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các hành vi dán trộm quảng cáo, rao vặt thường diễn ra vào ban đêm, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý.
Trước tình trạng bùng phát nạn quảng cáo sai quy định, thời điểm cuối năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra Quyết định số 356/QĐ-STTTT ban hành "Quy trình xử lý đối với tổ chức, cá nhân dùng số điện thoại, số dịch vụ tin nhắn ngắn thực hiện cuộc gọi rác, nhắn tin rác và quảng cáo sai quy định" trên địa bàn thành phố, có hiệu lực thi hành từ ngày 9/12/2022.
Theo Quyết định số 356, rao vặt sai quy định sẽ bị đề nghị tạm ngừng cung cấp dịch vụ; tạm ngừng cung cấp dịch vụ; khôi phục hoạt động đối với các số điện thoại sau khi chấp hành xử lý vi phạm.
Quy trình nhấn mạnh việc xử lý đối với các chủ thuê bao tái phạm. Cụ thể, trong thời hạn 1 năm kể từ khi vi phạm lần đầu, chủ thuê bao tiếp tục có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trước đó, tháng 5/2023, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại vi phạm quảng cáo rao vặt sai quy định (lần 10/2023). Trong trường hợp chủ thuê bao khiếu nại, nhà mạng có thể hướng dẫn các đối tượng này liên hệ với Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội để được giải quyết.
Đây không phải là lần đầu tiên, lực lượng chức năng của Hà Nội mạnh tay xử lý các thuê bao thực hiện nhắn tin rác, cuộc gọi rác và quảng cáo rao vặt sai quy định. Từ đầu năm 2023 đến 5/2023, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ban hành 10 văn bản đề nghị cắt 437 số điện thoại vi phạm, trong đó có 379 số điện thoại vi phạm quảng cáo rao vặt sai quy định, 58 số điện thoại thực hiện nhắn tin rác, cuộc gọi rác.
Hay tại Đà Nẵng, Cơ quan quản lý viễn thông đã cùng với các đơn vị tăng cường kiểm tra và đề xuất xử lý nghiêm người vi phạm, cắt dịch vụ của các số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định. Từ năm 2015 đến 2022, họ đã đề nghị ngừng cung cấp dịch vụ cho gần 3.000 số điện thoại vi phạm quy định.
Hiện nay, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP đã tăng hình thức và các mức xử phạt có tính răn đe đối với hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Cụ thể, phạt từ 10 đến 20 triệu đồng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo khi chưa được cấp tên định danh hoặc sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo.
Các biện pháp đã được triển khai, nhưng vẫn cần sự hợp tác của toàn bộ cộng đồng để ngăn chặn tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định trên đường phố.
Những trường hợp số thuê bao bị khóa 2 chiều mới nhất năm 2023
Theo yêu cầu và chỉ đạo của Bộ TT&TT, từ ngày 15/4, nếu các thuê bao không thực hiện chuẩn hoá thông tin cá nhân theo quy định, sẽ chính thức bị các nhà mạng khoá liên lạc 2 chiều.
VinaPhone cho biết sẽ chính thức khóa liên lạc 2 chiều với những thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin theo yêu cầu. Sau thời điểm bị khóa thuê bao 2 chiều, khách hàng sẽ không thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao qua website/app My VNPT.
Tuy nhiên, VinaPhone vẫn tiếp tục hỗ trợ mở khóa thuê bao cho các khách hàng có nhu cầu tại các điểm giao dịch trên cả nước.
Để được hỗ trợ mở khóa thuê bao, xác minh thông tin, khách hàng cần mang theo các giấy tờ tùy thân, như căn cước công dân, hộ chiếu… khi đến thực hiện giao dịch.