Mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng là một lần hội trường nóng bỏng như lò lửa. Cái lò lửa rừng rực ấy sẵn sàng phanh phui, thiêu đốt những gì cản trở, làm ách tắc sự phát triển của thành phố. Và lần này cũng vậy, phiên họp luôn nóng bỏng bởi các sự kiện.
Chỉ khi nào chính quyền địa phương biết sợ “dân kêu, dân la” như Đà Nẵng thì khi đó mới có những hành xử hợp lòng dân (Minh hoạ: Ngọc Diệp). |
Trước hết phải kể đến là việc 100% đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã biểu quyết thông qua nghị quyết phản đối TQ xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
Việc ban hành Nghị quyết đã thể hiện và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri Đà Nẵng và cử tri cả nước.
Việc thứ hai là quyết định tịch thu và bán 7 siêu xe vi phạm không có người nhận theo luật định để lấy tiền mua tàu sắt trang bị cho ngư dân bám biển.
Việc thứ ba là Bí thư Trần Thọ chỉ đạo ngành giáo dục Đà Nẵng phải kết hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, biên soạn tài liệu giảng dạy trong các trường học về Hoàng Sa - huyện đảo của Đà Nẵng, vùng lãnh thổ thiêng liêng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1974.
Đây là những quyết định đúng đắn, kịp thời của HĐND TP Đà Nẵng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng.
Đối với những vấn đề bức xúc của thành phố, có lẽ hồi hộp và gay cấn nhất là cuộc chất vấn về công viên Đầm Rong 2 giữa Chủ tịch HĐND TP – Bí thư Trần Thọ và các đơn vị liên quan.
Sau khi đại biểu Nguyễn Đăng Hải (Quận Thanh Khê) đặt câu hỏi trách nhiệm về sự chậm trễ của dự án này, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng ấp úng rằng việc này “thuộc về quận Hải Châu”.
Ngay lập tức, ông Thọ yêu cầu ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu giải thích và cũng sau một hồi ấp úng, ông Anh "đá quả bóng trách nhiệm" sang Giám đốc Sở Xây dựng.
Sau khi dừng mấy phút để xem tin nhắn từ cử tri phản ánh, ông Thọ quyết liệt: "Dân đang xem truyền hình trực tiếp các anh trả lời trước HĐND. Các anh làm việc như thế hả? Làm việc như thế dân không kêu, không la mới lạ. Chỉ có một vấn đề mà Sở VH-TT-DL nói không biết, đổ trách nhiệm xuống quận Hải Châu, còn quận lại đá ngược lên Sở Xây dựng".
“Làm việc như thế dân không kêu, không la mới lạ”. Một câu nói rất hay của người đứng đầu thành phố để bày tỏ nỗi lo sợ “dân kêu, dân la” không phải địa phương nào cũng có được.
Trong khi như một chân lý, ở địa phương nào và thời nào cũng vậy, một khi chính quyền xa dân, coi thường dân, thậm chí coi dân như cỏ rác là chính quyền của giai cấp thống trị.
Một chính quyền coi dân là “đối tượng” để đối phó là chính quyền đối lập với nhân dân và chắc chắn trên bờ vực suy vong.
Chỉ có một chính quyền biết sợ “dân kêu, dân la” mới đích thực là chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Nhớ lại cách đây đã lâu, trong một lần phỏng vấn ông Phạm Thế Duyệt (khi đó ông Duyệt còn là Chủ tịch MTTQVN), ông Duyệt đã thêm ba chữ vào câu trả lời “hợp lòng dân” sau câu “có tình, có lý” của mình.
Rồi ông thủ thỉ: “Ở nước mình, có tình, có lý chưa đủ mà phải còn phải hợp lòng dân”.
Chỉ khi nào chính quyền địa phương biết sợ “dân kêu, dân la” như Đà Nẵng thì khi đó mới có những hành xử hợp lòng dân.