Vụ dân phòng đánh người: Lỗi của dân nghìn lần đáng xử

13:00, Thứ tư 11/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong khi dư luận bức xúc đòi xử lý dân phòng đánh người thì bất ngờ nhận được lời giải thích, người dân lăn ra ngủ khi bị còng tay chứ đâu phải bị đánh đến ngất xỉu.

Kể cũng phải, làm sao mà không giận dữ cho được khi dân phòng đánh dân ngay trước mắt dân. Ngay giữa phố phường. Ngay giữa thanh thiên bạch nhật... Những vết thương trên thân thể ông Tình, những hình ảnh tại hiện trường đã  phản ánh việc đó. Nhiều người dân - những nhân chứng bất đắc dĩ - cũng đã xác nhận điều đó.

Và rồi người ta chắc mẩm, phen này thì những dân phòng thô bạo với dân có chạy đường trời cũng không thoát được tội.

Thế nhưng đúng là ở đời chẳng ai học hết được chữ ngờ! Chỉ bằng một vài câu giải thích ngắn gọn, Chủ tịch phường 25, Nguyễn Văn Quý đã lật ngược thế cờ một cách nhanh chóng và đầy ấn tượng. Theo ông Quý, tổ công tác đang xử lý việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường thì ông Tình có hành động phản kháng, buộc họ phải còng tay đưa lên xe đưa đi… Rồi trong khi đang bị đánh thì “ông Tình say xỉn, quay ra ngủ tại chỗ”.

Anh Tình bị đánh bất tỉnh nhưng lại bị
Anh Tình bị đánh bất tỉnh nhưng lại bị "vu" là say rượu, ngủ

Vậy là câu chuyện đã "hai năm rõ mười". Người dân lăn ra ngủ khi bị còng tay chứ đâu phải bị đánh đến ngất xỉu.

Người xưa chẳng vẫn hay nói: "Trăm năm bia đá cũng mòn/Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", phàm là những chuyện mà người dân không được giải thích thỏa đáng thì dư luận sẽ còn bức xúc lắm, lời qua tiếng lại còn lâu mới yên với dân. Cũng may có lãnh đạo phường tỉnh táo, chỉ ra hiện tượng lạ lùng mà đến người có mặt ở đấy cũng chẳng tưởng tượng nổi, nếu không thì người ta còn đem chuyện này ra chê trách các thành viên đội trật tự mãi không thôi.

Mà cũng kỳ diệu lắm nhé! Lời giải thích của vị chủ tịch sắc sảo không những giúp dân phòng được giải oan mà còn chỉ rõ cho những kẻ đầu óc tăm tối biết được trách nhiệm thuộc về ai, ai mới là người sai thực sự đấy.

Vậy lỗi tại ai? Xin thưa rằng là lỗi của dân. Người dân đã gây ra những lỗi lầm mà quả thực là nghìn lần đáng xử lý.

Thứ nhất, ai bảo dân bán hàng rong? Nhà nước đã chi không biết bao nhiêu tiền xây các khu chợ, khu trung tâm thương mại khang trang, sạch sẽ mà lại không vào. Đấy là chưa kể ở ta cũng đã có đủ các loại quy định, thông báo cấm bán hàng rong, thế mà ... người dân vẫn cố tình bán chui thì bị xử là đúng rồi.

Thứ hai, khi hàng rong bị dân phòng dẹp, như phần lớn những người buôn thúng bán mẹt thì đã phải biết đường mà thu gom hàng hóa, rồi nháo nhác chạy khi nhìn thấy bóng các cơ quan chức năng. Hay ít ra cũng phải nín nhịn mà xin xỏ rồi cảm ơn vì các anh đã phải làm việc nắng nôi, vất vả. Đằng này như chủ tịch phường này, anh Trịnh Xuân Tình lại có hành động phản kháng...

Và cuối cùng là có bao nhiêu người ở đấy, sao thấy anh Tình bị đánh không xông vào mà can. Hơn nữa, thấy anh ấy ngủ thì lại càng phải nhanh chóng gọi dậy chứ, ai lại để anh ấy nằm ngủ tại chỗ khi đang bị còng tay như vậy.

Đấy, kể ra mới thấy lỗi của dân đúng là lớn quá thể! Đúng là nghìn lần đáng phạt!

Cũng vì thế nên mới có chuyện chánh thanh tra sở Y tế Kon Tum Nguyễn Đức Hoàng giải thích trước lời buộc tội bổ cuốc chảy máu đầu hàng xóm: “Tôi không đánh ai cả, tôi đang cầm cuốc thì ở đâu cái đầu của bà ấy tự va vào chảy máu”.

Và cái lý lẽ ấy còn kỳ diệu đến mức cứ xét theo đó có thể tìm được đối tượng phải chịu trách nhiệm cho hàng loạt các vụ việc xảy ra gần đây mà chẳng cần mất công tranh cãi, đùn đẩy. Như vụ việc bác sĩ ở thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác, lỗi của dân là không chạy đâu cho thoát được.

Ở Việt Nam, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, ai ai cũng công nhận quyền lực của người dân lớn như vậy, đừng có hòng mở miệng chối bỏ trách nhiệm! Này nhé, dân có biết có cái thẩm mỹ viện tên Cát Tường không? Cả thành phố có thể không biết hết nhưng hẳn nhiên cái hộ dân hàng xóm và hộ dân gần hàng xóm phải biết chứ. Biết mà không báo, biết mà không kiểm tra, tội phải nặng lên gấp hai gấp ba lần. Vậy mà còn dám mở miệng kêu gào, ầm ĩ đòi người khác chịu trách nhiệm là sao?

Mà có phải cửa quan khó vào để người dân không thể đến nơi mà báo đâu cơ chứ? Đường dây nóng treo đầy rẫy, các quan chức ngày càng gần dân, thậm chí còn sắp có quy định mỗi tuần phải tiếp dân một lần, dân không đến báo là lỗi của dân 100% rồi, không thể đổ cho ai được nữa.

Từ xưa đến nay cha ông ta vẫn khuyên răn con cháu "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Cho nên trước khi kêu ca, đòi xử lý dân phòng thô bạo với dân hay sở y tế không làm tròn nhiệm vụ quản lý, thiết nghĩ mỗi người nên tự trách mình trước.

Mọi người thử tự vấn xem trong tay mình có quyền: "biết", "bàn", "làm", "kiểm tra" mà không thực hiện cho tốt thì ca thán hay chê trách làm gì? Nếu tự bản thân mình chưa biết tự ý thức, chưa thông thái, khôn ngoan thì chuyện gì xảy ra cũng đừng đòi hỏi quy trách nhiệm cho ai!

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông