Sau sự việc trẻ mầm non ở Trường MN tư thục Phương Anh (P.Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) bị cô giáo hành hạ dã man được đăng tải, gây xôn xao dư luận. Khi những bức xúc đã được giải tỏa phần nào bằng việc sẽ xét xử những bảo mẫu độc ác thì người ta lại bắt tay vào công việc cần thiết mua thưở: truy cứu trách nhiệm thuộc về ai.
Những tưởng sự việc đã rõ ràng, mọi tình tiết cũng đã được cơ quan chức năng điều tra và đối tượng khai nhận thì vấn đề xét trách nhiệm cũng sẽ theo đó mà trở nên đơn giản. Nhưng hình như không phải!
Chẳng thế mà trả lời Đất Việt, bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho biết nếu quy trách nhiệm sự việc này thì rất khó, theo quan điểm của bà Hiếu thì hiện nay trách nhiệm đã được phân cấp. Trong vụ việc này, UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm trách nhiệm vì là cơ quan cấp phép, sau khi có ý kiến chuyên môn của Phòng GD-ĐT.
Tuy nhiên, để nói trong sự việc này thì theo bà Hiếu, không thể quy trách UBND phường được vì họ đã đình chỉ rồi nhưng Trường tư thục đó cố tình hoạt động, nếu vậy, trước hết phải nói đến trách nhiệm cá nhân của người quản lý Trường đầu tiên.
Cô bảo mẫu ở trường mầm non tư thục Phương Anh "chăm sóc" trẻ. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Bà Hiếu nhấn mạnh: "Tôi cũng đã đi kiểm tra, tôi yêu cầu đình chỉ nhưng anh cố tình thì trách nhiệm phải thuộc nhà quản lý trường đó. Những nhà cơ quan quản lý có phát hiện ra hoạt động trái phép không, có phát hiện, sau đó còn kiểm tra, còn xử phạt, ở đây chỉ là cá nhân cố tình vi phạm, dĩ nhiên đó lại là một vấn đề khác".
Trước thực trạng có hàng loạt vụ việc bạo hành trẻ em thời gian gần đây bà Hiếu cho rằng: "Đây cũng việc của tất cả các Ban, ngành, Đoàn thể, chứ một mình Bộ GD-ĐT thì không giải quyết nổi, vì việc chăm sóc này là sự vào cuộc của nhiều phía".
Chính vì thế, không thể đổ hết lỗi cho người lãnh đạo, người quản lý. Bà Hiếu cho biết: "Trách nhiệm của người phụ huynh tại sao họ không chọn chỗ gửi con cho an toàn để gửi. Vì con là tài sản quý giá nhất của gia đình thì phải quan tâm, tài sản thì phải tìm nơi mà gửi gắm chứ đừng mang gửi bừa phứa như vậy".
Chẳng biết có đúng không, nhưng nhiều người cứ quả quyết rằng thấy mình đang trên sân bóng sau khi biết được ý kiến của đại diện ngành giáo dục mầm non.
Có lẽ nhiều vị phụ huynh đang đau đớn đến thắt lòng, thậm chí đến khóc ngất đi khi chứng kiến cảnh con mình bị hành hạ sẽ thấy bất ngờ khi tự nhiên được ngành giáo dục cho rằng lỗi là vì chính họ gửi con bừa phứa. Nhưng "miệng nhà quan có gang có thép", đại diện cơ quan chức năng đã nói vậy có lý nào lại sai được cơ chứ.
Này nhé, đầu tiên là lỗi ở việc chọn trường. Những đứa trẻ nhỏ bé, ngây thơ như vậy làm sao có thể tự chọn trường học được. Vì "cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy" nên mới có chuyện như thế. Nếu cha mẹ các bé tìm hiểu kỹ hơn, lựa chọn trường tốt hơn thì những chuyện đau lòng như vậy sao có thể xảy ra với trẻ.
Thứ hai là do cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái. Đừng đưa ra lý do rằng các bé không biết nói để biện hộ việc không thể phát hiện ra con mình bị hành hạ. Nếu quan tâm đến con sẽ thấy ngay được những dấu vết mà việc bạo hành để lại như vết thâm, bầm tím. Thấy con khóc lóc không muốn đi học sao không tìm hiểu nguyên nhân?
Nguyên nhân thứ ba cũng là do cha mẹ. Thời gian vừa qua đã có biết bao nhiêu vụ việc trẻ em bị bảo mẫu hành hạ, tại sao không cha mẹ không biết đường mà đề cao cảnh giác. Chính bởi tâm lý "trừ mình ra", phó thác con cái mà các bé bị bạo hành bao nhiêu lâu phụ huynh không hay.
Thế mới biết lâu nay, cứ hễ có việc gì là dư luận ầm ĩ kêu gào đòi các cơ quan chức năng vào cuộc, rồi truy cứu trách nhiệm... nhưng rồi đâu lại vào đấy là bởi chưa chỉ ra được trách nhiệm thuộc chính là về ai. Lâu nay mọi người đã đổ oan cho ngành giáo dục.
Người xưa dậy "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" đúng là cấm có sai bao giờ. Thiết nghĩ, trước khi đòi các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm, các bậc phụ huynh tốt hơn hết nên tự nhận lỗi, rồi biết đường mà tự lo lấy thân.
Trong hoàn cảnh có con nhỏ, trước khi đi gửi con phải kiểm tra giấy phép hoạt động của cơ sở giữ trẻ, nếu chưa có thì sống chết cũng không được gửi.
Mà gửi rồi cũng không phải là yên tâm được đâu, lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác. Những hôm được về sớm, nghỉ giữa giờ cũng không được lười, phải cố gắng tạt qua trường con mà nghe ngóng tình hình, hỏi han hàng xóm ... Bởi chỉ có làm như vậy phụ huynh mới biết được trường nào là an toàn dành cho con mình.