Sập cầu treo Lai Châu: Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Mấy ngày qua dư luận không khỏi xót thương và dõi theo những diễn biến vụ sập cầu treo ở xã vùng cao Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu làm 9 người chết, 37 người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương rất nặng. Nguyên nhân vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ cùng với đó là trách nhiệm của những người có liên quan để xảy ra sự việc đau lòng này.

8h sáng ngày 24/2 một đám tang qua cầu treo tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu thì cầu bất ngờ đứt cáp, khiến hàng chục người rơi xuống suối. Do đang là mùa khô, suối cạn nước, dưới lòng suối toàn đá tảng nên hậu quả vụ tai nạn rất nặng nề. 9 người đã thiệt mạng, trong số 37 người bị thương đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đường có 28 người bị thương nặng.

Hình ảnh cây cầu treo sau vụ sập khiến nhiều người thương vong.

Được biết Cây cầu treo xảy ra tai nạn vừa được đưa vào sử dụng hơn một năm nay, cầu có chiều dài hơn 50 m, cao gần 10 m.

Trao đổi với phóng viên về trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân vụ sập cầu treo này, luật sư Phạm Thị Hương, Công ty Luật Song Thanh cho biết:

“Theo những thông tin mà nhiều báo đã cung cấp thì nguyên nhân sập cầu ban đầu được xác định là do con ốc neo trụ cầu bị gãy. Cơ quan điều tra cần phải xác định thêm nguyên nhân làm con ốc neo trụ cầu bị gãy là gì? Do quá tải trọng? Do chất lượng kém?....Trong vụ việc cần phải xem xét đến trách nhiệm của các bên liên quan: Thiết kế cầu đã làm đúng chưa, việc tính toán vật liệu xây lắp có phù hợp hay không? Đơn vị thi công có làm đúng yêu cầu của bản vẽ thiết kế hay không? Trách nhiệm của bên giám sát công trình như thế nào?”.

Luật sư Hương phân tích: “Cây cầu này đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chủ đầu tư và đơn vị được giao quản lý công trình, trường hợp này là UBND huyện Tam Đường.

Theo quy định tại Điều 627, Bộ luật dân sự thì: Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.

“Và sẽ được bồi thường theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng tại Chương XXI, Bộ luật Dân sự và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo ý kiến của cá nhân thì nếu con ốc neo cầu bị gãy không phải do nguyên nhân quá tải trọng thì cần phải bồi thường thiệt hại cho người dân một cách thỏa đáng, đồng thời xem xét đến việc xử lý trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan”, luật sư Phạm Thị Hương kết luận.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn