Con 9 tuổi nguy kịch vì gia đình tự truyền nước trị sốt xuất huyết: Bác sĩ cảnh báo, "đừng chết vì thiếu hiểu biết"

( PHUNUTODAY ) - Bé gái 9 tuổi ở Hà Nội bị sốt xuất huyết chuyển đến Bệnh viện Nhi TW trong tình trạng suy tuần hoàn, viêm não, tổn thương cơ tim. Dù đã được các y bác sĩ nỗ lực điều trị, nhưng tính mạng bé đang nguy kịch vì nhập viện muộn.

Theo Sức khoẻ và Đời sống đưa tin, chiều 14/10, Bệnh viện Nhi Trung Ương (TW) cho biết, chỉ trong hai tuần trở lại đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi TW đã tiếp nhận và điều trị cho 22 trường hợp trẻ sốt xuất huyết.

Đáng chú ý trong đó có một bệnh nhi nhập viện muộn trong tình trạng nguy kịch. Đó là trường hợp bé gái H.T (9 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội).

ThS.BS Nguyễn Trọng Dũng – Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi TW cho biết, một tuần trước khi nhập viện, trẻ sốt cao liên tục (39- 41độ C), dùng hạ sốt nhưng không đáp ứng nên gia đình đã đưa đến cơ sở y tế gần nhà để thăm khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trẻ được người nhà theo dõi sức khỏe và truyền nước tại nhà tuy nhiên đến ngày thứ 6 của bệnh, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, co giật, sốt cao liên tục, li bì.

Đến ngày 4/10, trẻ được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám và điều trị nhưng do tình trạng bệnh chuyển biến nặng nên tối cùng ngày, trẻ được chuyển đến Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi TW trong tình trạng suy tuần hoàn, viêm não, tổn thương cơ tim.

Dù đã được các bác sĩ xử trí thở máy nhưng nguy cơ tử vong cao trên nền sốt xuất huyết. Hai ngày sau, em trai của bệnh nhi (7 tuổi) cũng mắc sốt xuất huyết và được đưa vào Bệnh viện Nhi TW điều trị. Các bác sĩ cho biết, hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định tuy nhiên trẻ vẫn cần được chăm sóc và theo dõi thêm.

TS.BS Đỗ Thiện Hải – Trưởng khoa Nội tổng quát – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho hay, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng.

Do đó, TS Hải khuyến cáo: "Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, vì vậy cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh trẻ đảm bảo sạch sẽ, tránh để những vật dụng tạo ra vùng nước đọng lại, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng và phát triển; cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn…".

Bác sĩ Bệnh viện Nhi TW khuyến cáo, khi trẻ mắc sốt xuất huyết, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện. Ngoài ra, cha mẹ lưu ý một số vấn đề về chăm sóc trẻ như: cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội), nước trái cây…

Đặc biệt đối với việc dùng thuốc hạ sốt: chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không tự ý sử dụng loại khác khi không có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các sơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện, đề phòng biến chứng dẫn đến tử vong.

Những nguy cơ khi tự ý truyền dịch

Những tai biến nguy hiểm có thể xảy ra khi tự truyền dịch tại nhà đó là:

Sốc phản vệ có thể dẫn tới tử vong là tai biến nặng nhất.Nhiễm trùng máu, cũng là một tai biến nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp hay suy tim, đặc biệt ở những người có các bệnh về tim mạch đã được chẩn đoán hoặc chưa được phát hiện.

Khi đưa vào trong cơ thể một lượng dịch không cần thiết sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa và làm rối loạn điện giải, từ đó gây ra nhiều hệ lụy khác.

Khi tự ý truyền dịch tại nhà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh như viêm gan B, C, HIV/AIDS,... do kỹ thuật truyền không đúng, không đảm bảo vô trùng.

Gây thiếu hụt các yếu tố vi lượng.

Khi truyền dịch kéo dài sẽ dẫn đến hiện tượng các dung mao của ruột thoái hóa làm cho khả năng hấp thụ thức ăn kém, dẫn tới hậu quả là cơ thể bị thiếu các vitamin và khoáng chất.

Khi lượng dịch truyền vào cơ thể quá nhiều có thể gây ra tình trạng các tế bào bị mất nước ưu trương, làm teo tế bào não rất nguy hiểm.

Truyền dịch đúng chỉ định, đúng kỹ thuật cũng có thể gặp phải một số tai biến sau:

Tại chỗ tiêm truyền bị phù, sưng đau.

Có thể bị rét run, vã mồ hôi, mặt tái nhợt, khó thở, đau tức ngực,...Tại vị trí cắm kim tiêm truyền có thể bị sưng tại chỗ hoặc lan tỏa ra xung quanh làm cho vùng da đó bị viêm tấy đỏ, thậm chí có thể bị hoại tử, nhất là khi truyền các loại dịch cung cấp chất dinh dưỡng.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link