Những điều nhất định phải lưu ý khi cho trẻ từ 12-17 tuổi đi tiêm vắc xin phòng Covid-19

( PHUNUTODAY ) - Sau tiêm vắc xin COVID-19 có thể có triệu chứng bất thường nhưng trẻ em thường hiếu động, không để ý dấu hiệu sức khỏe sau tiêm như người lớn. Nếu cha mẹ thấy trẻ có các dấu hiệu này sau tiêm vắc xin, cha mẹ cần liên hệ y tế ngay:

BS Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết việc sàng lọc những trường hợp trẻ có bệnh nền, có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vắc xin hay bất kỳ dị nguyên nào khác trước khi tiêm vắc xin là rất quan trọng. 

Ngoài ra, sau tiêm vắc xin COVID-19 có thể có triệu chứng bất thường nhưng trẻ em thường hiếu động, không để ý dấu hiệu sức khỏe sau tiêm như người lớn. Bản thân các em cũng không nghĩ những bất thường đó có nguyên nhân do vắc xin.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người được tiêm chủng tự theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu, khi trẻ có các dấu hiệu này sau tiêm vắc xin, cha mẹ cần liên hệ y tế ngay:

- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi

- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da

- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó

- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật

- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất

- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy

- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái

- Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Trước đó, ngày 14/10, Bộ Y tế thông tin về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Cụ thể, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vắc xin có công nghệ sản xuất khác nhau (vắc xin mRNA, vắc xin bất hoạt...). Một số loại vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em.

Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy vắc xin có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. Hiện nay có nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em.

Mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.

Loại vắc xin sử dụng là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vắc xin.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường). Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này) theo mẫu quy định.

Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vắc xin sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link