Công trình thể thao nghìn tỷ thành quán cà phê, massage

( PHUNUTODAY ) - Một số công trình được đánh giá là hoành tráng và hiện đại nhất Đông Nam Á phục vụ SEA Games 2003 và Asian Indoor Games 2009 đang xuống cấp trầm trọng do "đắp chiếu" và sử dụng không đúng mục đích.

Mới đây lãnh đạo Bộ VH-TTDL dự kiến kinh phí tổ chứ ASIAD 18 năm 2019 lên tới 3.150 tỷ đồng. Những công trình phục vụ ASIAD sẽ không được xây mới, thay vào đó là nâng cấp hạ tầng cũ từng phục vụ SEA Games 22 (2003). Trong ảnh, các phòng chức năng tại khán đài B của SVĐ Mỹ Đình (được đầu tư trên 50 triệu đô, khoảng 1.000 tỷ đồng) trở thành quán massage, trường học cho thuê, rạp chiếu phim, quán cà phê. Cách đây 11 năm, sân vận động Mỹ Đình được đánh giá là hoành tráng và hiện đại nhất Đông Nam Á.
Cơ sở massage ngay tại SVĐ Mỹ Đình treo giá và dịch vụ mời chào khách hàng.
Một trường học mọc lên ở khán đài B SVĐ Mỹ Đình. Khu vực sảnh được tận dụng để các em học ngoại khóa và tập thể dục.
Một đoạn dài sảnh B và các phòng chức năng được biến thành nơi tập kết bình nước của trường học.
Các quán cà phê, bar cũng mọc lên tại sân vận động Mỹ Đình. Phía sau khán đài D là các sân golf và quán nhậu.
Quán nhậu, lẩu ngay sau khán đài D sân Mỹ Đình.
Ở cổng chính sân Mỹ Đình là tấm biển quảng cáo tiệc cưới, được tổ chức ngay tại hội trường khán đài A.
Cung điền kinh trong nhà Hà Nội có tổng vốn đầu tư 546 tỷ đồng và hàng chục tỷ đồng khác mua thiết bị. Thế nhưng sau Asian Indoor Games 2009, ban quản lý buộc phải lột phần đường chạy cất kho vì... không có giải điền kinh trong nhà nào được tổ chức.
Khi giao cho Sở VH-TTDL Hà Nội quản lý, Cung điền kinh trong nhà đã thành nơi cho thuê sân quần vợt, tập luyện một số môn võ, tổ chức cưới, show ca nhạc...
Nằm ngay sát sân Mỹ Đình là tổ hợp các khu thể thao khác. Cung thể thao dưới nước, có 3 bể bơi với tổng vốn xây dựng khoảng 240 tỷ đồng, hầu như đóng cửa bởi mỗi năm tại đây chỉ tổ chức vài giải bơi quốc gia, thậm chí phong trào.
Câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây do Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội quản lý, được xây dựng và đưa vào sử dụng từ ngày 23/7/2003 với diện tích lên đến 4.000 m2, kinh phí xây dựng 6,7 tỷ đồng. Câu lạc bộ xây dựng nhằm phục vụ các bộ môn thi đấu liên quan đến đua thuyền ở SEA Games 22. Từ đó đến nay, CLB đua thuyền Hà Nội còn được "rót" 2 tỷ đồng mỗi năm để hoạt động, chưa kể khoản đầu tư nâng cấp trị giá 5 tỷ đồng vào năm 2010.
Thế nhưng, trong tổng số trên 160 thuyền, ca nô các loại phục vụ VĐV tập luyện hằng ngày, có rất nhiều thuyền đã xuống cấp. Nhiều thuyền, ca nô để ngoài trời, không có mái che mưa nắng.
Hàng loạt thuyền, ca nô đủ loại lớn nhỏ bị hỏng, hoen gỉ, thủng vỡ được xếp thành nhiều chồng, nằm chỏng chơ ở các góc khác nhau của câu lạc bộ.
Khu vực bến đỗ, tập luyện của các vận động viên cũng biến thành nơi chụp ảnh cưới.
Tiền thân là Nhà hát Nhân dân, nhà thi đấu quận Hà Đông được nâng cấp để phục vụ các môn thi đấu tại SEA Games 22. Từ đó đến nay, nhà thi đấu chỉ tổ chức vài cuộc thi cấp quận, khu vực sân biến thành bãi gửi xe. Cách đó không xa là 2 sân tennis mọc lên.
Phía trong nhà thi đấu luôn "cửa đóng then cài". Một số hệ thống đèn bị hư hỏng dẫn đến thiếu ánh sáng, ghế ngồi cho khán giả cũng xuống cấp, bụi bặm do không được sử dụng thường xuyên.
Nhà thi đấu Hoàng Mai được xây dựng phục vụ môn cầu mây tại SEA Games 22. Sau thời gian đó, nơi này mỗi năm tổ chức một giải quốc gia, còn lại phục vụ các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của quận. Vào những ngày gần đây, nhà thi đấu trở nên đìu hiu do không tổ chức môn thi đấu nào.
Lãng phí tiền tỷ, sử dụng sai chức năng và để các công trình thể thao tầm cỡ xuống cấp trầm trọng là những nguyên nhân khiến dư luận ủng hộ Việt Nam rút quyền đăng cai ASIAD 2019, tránh đi vào vết xe đổ trước đây.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn