Công ty công nghệ sinh học và dược phẩm Moderna có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ) đã trở thành một trong những đơn vị đầu tiên phát triển được vaccine ngừa SARS-CoV-2 gây là dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên thế giới hiện nay.
Moderna sẽ gửi mẫu vaccine đến Viện Y tế Quốc gia Mỹ để thử nghiệm trên người trước khi sản xuất hàng loạt.
Tin vui này vừa được các quan chức y tế tiết lộ trong phiên điều trần của chính phủ ngày 12/3.
Ban đầu, nhiều chuyên gia nhận định rằng không kịp phát triển vaccine trước mùa hè. Tuy nhiên, tiến trình nghiên cứu đã được đẩy nhanh hơn dự kiến.
Trong phiên điều trần, tiến sĩ Anthony Fauci, Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho biết, phải mất thêm 2-3 tháng nữa để có vaccine đầu tiên sử dụng trên người. Ông hy vọng trong vài tuần tới có thể bắt đầu quá trình thử nghiệm vaccine trên người.
Vaccine không thể đưa vào sử dụng được ngay mà chúng ta sẽ phải đợi để chứng minh được hiệu quả của nó trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2. Nếu có thì khả năng bảo vệ đến mức nào.
Tiến sĩ Anthony Fauci thông tin thêm: "Chúng tôi muốn nói rằng đây là thời gian phát triển nhanh kỷ lục. Sẽ mất thêm 1-1,5 năm để thực sự biết nếu nó hiệu quả hay không".
The BGR, ngay cả trong trường hợp vaccine mới được chứng minh là an toàn và hiệu quả đối với việc ngăn ngừa virus, công đoạn sản xuất trên quy mô lớn và đưa đến các cơ sở y tế khó xảy ra trong 18 tháng nữa hoặc thậm chí lâu hơn.
Moderna chỉ là một trong những công ty đang nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2. Các công ty công nghệ sinh học khác trên thế giới cũng đang chạy đua trên con đường tìm ra loại vaccine ngừa đại dịch này sớm nhất có thể.
Trước đó, ngày 22/2, Tiến sĩ Paul Young - Hiệu trưởng trường Khoa học Hóa học và Sinh học phân tử thuộc Đại học Queensland cho biết nhóm nghiên cứu của trường cũng nghiên cứu ra một loại vaccine phòng Covid-19 và tiến hành thử nghiệm trên động vật.
Sau khi hoàn thành thí điểm trên động vật, nhóm nghiên cứu sẽ gửi vaccine đến các phòng thí nghiệm của Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO) để thực hiện thêm các thí nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn khi thử nghiệm trên cơ thể người.
Bên cạnh đó, ngày 25/2, Huang Jinhai, giáo sư đứng đầu dự án nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 thuộc Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) cũng tuyên bố nghiên cứu và thử nghiệm một loại vaccine đường uống.
Loại vaccine ngừa Covid-19 này sử dụng nấm men saccharomyces cerevisiae (thường được biết đến nhiều nhất như men bánh mì) làm chất dẫn và protein dằm (spike protein) của virus corona để sản xuất ra kháng thể chống lại virus corona chủng mới.
Chính ông Huang đã tự uống 4 liều vaccine này và không gặp bất cứ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, loại vaccine này vẫn cần tiếp tục đánh giá, thử nghiệm lâm sàng trước khi được đưa vào sản xuất và bán ra thị trường.