Cực nhọc, cám dỗ của những phận đời đi xuyên... màn đêm

06:57, Thứ hai 25/11/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Gió mùa về khiến Hà Nội trở lạnh, khắp các con ngõ nhỏ lại vang lên những tiếng rao đêm: ai bánh khúc, bánh khoai đây, ai bao nóng nào,… Thứ âm thanh quen thuộc ấy dội vào lòng người tâm trạng sầu thảm; gieo vào tim người nghe sự ai oán, não lòng về cuộc sống của những gánh hàng rong đêm. Họ không chỉ vất vả mà còn thường xuyên phải đối mặt với những hiểm nguy và cám dỗ trong mỗi gánh hàng.

Làm bạn với màn đêm

Trời tháng 11 lất phất vài hạt mưa. Dưới ánh đèn vàng vọt trước cổng bệnh viện 19-8, mấy gánh hàng rong ngồi túm năm tụm ba nói chuyện. Hàng ngô luộc khói bốc lên nghi ngút,  mùi khoai nướng thoảng trong gió vẫn không níu nổi người đi đường. Khung cảnh mua bán trở nên vắng hoe.

Từ chiều đến giờ, cô Ngọc (Hà Tây) mới chỉ bán được một cái bánh mì và một cái bánh khúc. Thở dài với vẻ ngán ngẩm, cô nói: Làm ăn ngày càng khó khăn, Năm ngoái, hàng hóa còn  bán được túc tắc, năm nay mọi thứ đều chậm. Nói thì mọi người bảo ngoa, nhưng có những đêm đi bán không được đến một trăm lẻ, thế mà vẫn cứ phải đi để giết thời gian. Nhỡ đâu gặp khách lại bán được.

Nhiều hàng rong đêm luôn phải đối mặt với những hiểm nguy
Nhiều hàng rong đêm luôn phải đối mặt với những hiểm nguy.

Gần 20 năm đi bán hàng rong đêm, với cô Ngọc cũng có nhiều kỉ niệm. Đôi mắt nheo lại như nhìn về quá khứ, cô kể: Những ngày mưa dầm, gió bấc, đi rao hàng trong những con hẻm sâu mà có người gọi thì vui và mừng lắm. Nhưng không có ai thì buốt lòng buốt ruột. Thậm chí nhiều khi còn phát khóc. Ấy vậy mà nhiều khi mấy đứa sinh viên nó không thương, còn trêu mình.

Có lần đi bán hàng rao khản cá tiếng mà chẳng ai đoái hoài, hỏi mua. Bỗng có tiếng gọi từ trên gác 2 của một khu trọ: Cô ơi bánh mì nóng không? Miệng đáp: Có nóng cháu ạ, lòng dạ mừng thầm vì có khách thì cậu thanh niên thản nhiên đáp lại: Nóng thì cô đi bán nhanh kẻo nguội, rồi chúng cười rít lên sung sướng. 

Cũng có những trường hợp khách hàng là sinh viên gọi mình mua hàng, chúng móc máy hết cả hàng lên, rồi mặc cả chán chê, cuối cùng buông một câu: thôi cháu không ăn đâu. Rồi không ít lần, nghe mình rao bánh khúc, bánh mì,… chúng gọi giật lại hỏi có bánh bao không? Những lúc như thế vừa buồn, vừa cáu lắm cháu ạ.

Không chỉ vậy, những gánh hàng rong đêm không ít lần đối mặt với những gã yêu râu xanh. Cô Ngọc kể, có lần cô đi vào một con ngõ sâu để bán hàng, lúc đó nghe văng vẳng tiếng đàn ông gọi: “Em ơi, bánh mì bán thế nào? Cô đáp: 1 nghìn một chiếc bác ạ rồi lại gần. Gã đàn ông kia nói tiếp: Em bán cho anh một cái, anh trả 100 nghìn. Dù rất sợ, nhưng làm công việc này đã lâu, cô bạo mồm: Này nhé, tôi nói cho ông biết, tôi chỉ bán bánh mì 1 nghìn/ 1 chiếc, loại 100 nghìn ông đi khác mà mua nhé, con này chỉ tiêu những đồng tiền chân chính…”. Cô thở dài não nuột sau câu chuyện vừa kể, rồi chẹp miệng: Phụ nữ làm cái nghề này mà không can đảm, không vững lòng thì dễ xa ngã lắm.

Những nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền

Người ta cứ bảo bán hàng rong là kiếm được. Điều này không sai, nhưng nó chỉ đúng với trước đây. Giờ người bán thì nhiều, người mua thì ít. Hàng hóa thành ra ế ẩm. Một tháng đi bán đều, gặp khách thì có khi được 3-4 triệu mang về góp thêm cho gia đình. Nếu nhà có việc hiếu – hỉ, cứ vài ba hôm lại về thì hết cả vốn lẫn lãi.

Buôn bán, làm ăn mãi mới gom được vài đồng, nhưng cứ đến mùa cưới thì vừa ăn vừa lo. Ở quê, đám cưới hàng xóm láng giềng, nhẹ nhàng cũng phải đi 1 trăm nghìn, họ hàng 2 trăm nghìn, anh em ruột thịt ít nhất cũng 5 trăm nghìn mới xong. Thế nên, mùa cưới là phải bóp mồm bóp miệng để đi ăn cỗ. 

Cô Nga (Hà Tây), người bán ngô trước cổng viện 19-8 chia sẻ: “Nhiều khi có tiền chẳng dám tiêu, phải ra đồng hái rau về ăn, để dành tiền đi ăn cỗ”.

bơn trải kiếm ăn vì gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền
Bươn trải kiếm ăn vì gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền.

Cuộc sống của người nông dân gắn với ruộng đồng, ao mương; vì thế bán hàng rong chỉ là công việc làm thêm để cải thiện cuộc sống vào những ngày rảnh rỗi, nông nhàn. Nên chỉ có tháng ba, ngày tám họ mới ra thành phố để làm thêm. Kiếm thêm đồng ra, đồng vào, trang trải chi tiêu cho gia đình đỡ túng.

Ối giời ơi, ế thế nhỉ… Cô Nga khẽ kêu lên một cách uể oải. Cách đây mấy năm, bán hàng chạy, sướng lắm. Nhiều lúc ăn cơm, chưa kịp và hết miếng thì khách đã lại đến mua hàng. Không có chuyện ngồi tám chuyện với nhau như bây giờ. Thời điểm đó, bánh, khoai, ngô,… bán đến đâu hết đến đó. Có đêm kiếm được 300-400 nghìn. Bây giờ, bán có vài chục bắp ngô luộc, mấy cân khoai nướng mà ngồi đến nửa đêm vẫn chưa hết hàng. 

Bán vội vàng được 4 chiếc bánh nếp cho Khách, cô Ngọc cười hiền: “Vất vả lắm cháu ạ. Trên chiếc xe đạp cũ kĩ, một mình đạp kẽo kẹt đạp trong đêm vắng. Nhiều lúc nghĩ tủi thân, nhưng nhớ đến gia đình, con cái ở nhà lại có động lực để tiếp tục lao động”. 

5 giờ chiều cô Ngọc đã có mặt ở cổng bệnh viện 19-8, ngồi ở đó đến khi nào chiếc đèn cao áp vụt tắt, báo hiệu 10 giờ đêm mới bắt đầu tỏa đi khắp các ngõ nhỏ để bán hàng. Cô vội vàng thu dọn những mảnh xốp mang đi để ngồi cho khỏi mỏi chân khi vắng khách, sau đó đạp xe đi cùng với vài người bạn hàng. Bóng họ in trên đường, rồi hun hút chìm sâu vào trong màn đêm lạnh.

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: