Chạy chợ mưu sinh
Chợ dưới gầm cầu, chợ trên đường ray xe lửa, chợ lấn vỉa hè… Ở Hà Nội, không thiếu những khu chợ cóc, chợ tạm như thế. Đặc biệt, những khu vực đông học sinh – sinh viên như các trường Đại học, Cao đẳng… thường là địa điểm tập trung nhiều gánh hàng rong.
Những người bán hàng rong đến từ rất nhiều nơi, phần đông ở Thanh Hóa và Hà Tây cũ. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng gia đình họ đều khó khăn. Nhà đông con, họ phải lặn lội đi buôn bán xa với hi vọng kiếm đủ miếng cơm, manh áo nuôi sống gia đình trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Hình ảnh chợ cóc xuất hiện trong nhiều con ngõ nhỏ ở thủ đô Hà Nội. |
“Ở quê một năm 2 vụ lúa, nhà lại đông con, chúng tôi đành lên trên này đi bán hàng, tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo thôi” - chị Hường (Thạch Thất, Hà Nội) bùi ngùi chia sẻ.
Xuất thân nhà nông, không có kiến thức, nhiều người phụ nữ chọn bán hàng rong để làm kế sinh nhai. Ngặt một nỗi, thời gian gần đây, công việc này đã bị luật pháp nghiêm cấm, vì thế, họ luôn nơm nớp sống trong cảnh “chạy chợ”.
Đi buôn, mất cả chì lẫn chài
Kể từ ngày luật định về việc cấm bán hàng rong được ban hành, cảnh tượng nhốn nháo chạy chợ của những gánh hàng rong lại diễn ra thường xuyên hơn trên các con phố. Công việc vốn không hợp pháp nên những người bán hàng rong chấp nhận rủi ro, được ăn cả, ngã về không. Cuộc sống của họ vì thế lại càng khó khăn và bấp bênh hơn.
Chị Hồng (Nam Định) làm cái nghề này đã suýt 20 năm ngậm ngùi chia sẻ: “Cũng muối mặt lắm em ơi, có ai muốn chống đối lại Nhà nước, pháp luật đâu, nhưng miếng cơm, manh áo nó cứ níu lấy, không đi buôn thì con cái ở quê chết đói hết”.
Để duy trì công việc này, nhiều người bán hàng rong tìm mọi cách để “đối phó” với trật tự. Một số hàng thịt lợn nhờ mối quen biết mà “mượn” được nhà dân để bán hàng. Một số khác thì luôn trong tư thế sẵn sàng chạy khi công an trật tự ghé thăm. Dù vậy, không ít các bác, các cô vẫn phải “tay trắng” trở về sau những buổi chợ vì không kịp “trở tay” với lực lượng trật tự khi đang mải mê bán hàng.
Cảnh tượng đuổi bắt giữa trật tự phường và các gánh hàng rong khiến thành phố mất đi vẻ thanh lịch, văn minh. |
Chị Lê Thị Thơ – quê Thanh Hóa, hớt hơ hớt hải phi chiếc xe thồ củ đậu, dứa chạy một mạch vào ngõ, mắt còn dáo dác nhìn ra khu chợ phía trước rồi thở phào nhẹ nhõm: may quá… Chị kể, cách đây không lâu, chị cũng bị công an đuổi mà chạy không kịp nên mất cả xe lẫn hàng, tiếc đứt ruột nhưng không làm gì được.
Giống như chị Thơ, chị Hoàng Thị Tâm bán cá ở đoạn cuối chợ cũng không ít lần mất hàng vì không chạy kịp. Chị cho biết: “Có những khi đang bán hàng đông khách thì trật tự phường ập đến, tôi mất cả chậu rô đồng hơn một cân, rô đồng thì đắt nên tiếc đứt cả ruột”.
Rồi chị luyến thắng nói: “Chẳng riêng gì tôi, vừa hôm qua thôi, chị Lan chuyên bán thịt gà quê ở góc chợ đằng kia kìa cũng ở trong cảnh khóc dở mếu dở. Lúc ấy đang làm dở con gà cho khách thì thấy mấy hàng rau hô hoán chạy nên luống cuống, chỉ kịp dắt xe, có đôi chục quả trứng gà thế là cũng đi tong”.
Khi được hỏi sao không tìm khu chợ nào được quy hoạch để bán hàng. Những người bán hàng rong đều nói: vào chợ giờ trăm người bán, vạn người mua; lượng hàng tiêu thụ chậm hơn mà lại còn mất phí chợ nên nhiều người không muốn vào. Hơn nữa, không phải ngày nào trật tự cũng dẹp nên thỉnh thoảng vẫn tranh thủ vào khu này bán, được ít nào thì được, không thì lại đi nơi khác.
Xưa kia, hàng rong được coi là một nét đẹp văn hóa của Hà Nội. Ngày nay, để Hà Nội văn minh và đảm bảo mỹ quan đô thị hơn, các nhà quản lý đã đưa ra “thiết quân luật” nhằm cấm bán hàng rong. Tuy nhiên, việc đuổi – bắt giữa công an trật tự và những gánh hàng rong đang biến nhiều khu phố, nhiều con đường trở nên “loạn nhịp”và nhếch nhác. Người dân chạy toán loạn mỗi khi nghe thấy tiếng loa, trật tự viên thì bặm trợn quát tháo… Những hình ảnh này liệu có làm Hà Nội trở nên văn minh hơn?