Thành phần trong dầu dừa
Thành phần của dầu dừa là khoảng 90% chất béo trung tính bão hòa. Trong đó axit lauric tới 49% trong dầu dừa, có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm. Còn các axit béo no như axit myristic (18%) có thể cấp nước cho da, axit capric (7%) giúp dưỡng da, axit linoleic (2%) đóng vai trò là chất tẩy rửa…
Với những thành phần này, dầu dừa đã được chứng minh là có nhiều công dụng trong việc mang lại làn da khỏe mạnh và sáng mịn hơn.
Công dụng chính của dầu dừa đối với da
Hydrat hóa làn da và khóa ẩm
Dầu dừa có 80 – 90% chất béo bão hòa. Do vậy, loại dầu này khi được bôi lên da sẽ hoạt động như một chất làm mềm, giúp dưỡng ẩm và làm hàng rào bảo vệ da.
Giảm viêm da
Dầu dừa có đặc tính chống viêm, giúp giảm kích ứng da. Đó là lý do vì sao nó thường được sử dụng để chữa lành viêm da. Loại dầu này được coi là 100% tự nhiên và an toàn để sử dụng cho các tình trạng viêm da như bệnh chàm.
Kháng khuẩn
Hàm lượng axit béo phong phú có trong dầu dừa giúp ngăn chặn sự phát triển của một số vi sinh vật trên da.
Đặc tính kháng khuẩn của dầu dừa giúp chống lại vi khuẩn gây mụn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng axit lauric có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn propionibacterium acnes mạnh hơn so với benzoyl peroxide (vốn là thuốc điều trị mụn trứng cá phổ biến).
Tăng cường sản xuất collagen
Dầu dừa giàu vitamin A và E, giúp bảo vệ da khỏi các gốc tự do. Đây là tác nhân có thể phá vỡ lớp collagen của da, từ đó gây lão hóa.
Dầu dừa có tốt cho da mặt?
Dù dầu dừa mang lại lợi ích dưỡng ẩm và chống viêm quan trọng nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi từ việc sử dụng nó. Cụ thể, dầu dừa chỉ phù hợp với những người có làn da mặt khô và thường xuyên bong tróc do thiếu nước.
Loại dầu này được khuyến cáo không nên bôi lên da dầu hoặc bị mụn. Vì kết cấu dẻo và sánh khiến cho loại dầu thiên nhiên này dễ làm cho da bị tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó nổi mụn.
Tác hại của dầu dừa với mặt
Gây nổi mụn
Dầu dừa có thể khiến da bị tắc nghẽn lỗ chân lông, làm xuất hiện mụn đầu đen, mụn đầu trắng, đốm mụn và kích ứng. Bôi dầu dừa, đặc biệt là bạn để nó suốt cả đêm trên mặt, sẽ khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
Dị ứng
Mặc dù hiếm gặp nhưng vẫn có tình trạng dị ứng với dầu dừa xảy ra. Biểu hiện của dị ứng dầu dừa là ngứa, đỏ da, phát ban hoặc nổi mề đay… Do vậy, những người có làn da nhạy cảm nên cẩn trọng với tác hại của dầu dừa với mặt.
Gây nhiễm nấm da
Dầu dừa khi làm tắc nghẽn lỗ chân lông nặng có thể làm cho da mặt bị nhiễm nấm. Một trong những tình trạng nấm da mà dầu dừa mang lại là viêm nang lông pityrosporum.
Sạm da
Dầu dừa, dầu ô liu, dầu sả… đều không có khả năng chống nắng và chống tia cực tím. Do vậy, với quan niệm sai lầm này, nhiều người đã sử dụng dầu dừa thay kem chống nắng. Hậu quả là làm cho làn da trở nên bắt nắng hơn.
Nếu là lần đầu tiên sử dụng dầu dừa lên da mặt, hãy kiểm tra trước với những vùng da khác để xem phản ứng dị ứng có thể xảy ra. Chỉ nên dùng một lượng nhỏ dầu dừa để kiểm tra da. Tiến hành kiểm tra với mu bàn tay và chờ trong 24 giờ để xem kết quả. Đặc biệt không nên dùng dầu dừa cho những vùng da quá mỏng như xung quanh mắt để tránh tác hại của dầu dừa với mặt là làm cho da bị mụn thịt.