Câu nói “Nhà bố mẹ là nhà của con, nhà con không phải là nhà bố mẹ” là câu nói của Cựu thủ tướng Trung Quốc, ông Chu Dung Cơ viết trong bài “Hiểu đời” sau khi nghỉ hưu. Câu nói này đã “đánh động” nhiều cha mẹ. Nhiều người cảm thấy đau lòng nhưng nếu bạn chấp nhận và hiểu được điều đó thì tức là đã hiểu đời, nên phần đời phía sau sẽ thanh thản hơn, ít chấp niệm và an yên hơn. Người Việt cũng hay nói câu “Nước mắt chảy xuôi” ý nghĩa hiểu ra cũng tương tự thế, đó là luật đời, chấp nhận được quy luật đó sẽ bình thản vượt qua tuổi già, vui vẻ với con cái, không trách móc đau lòng oán thán.
Còn cha mẹ chúng ta luôn có nhà
Dẫu cha mẹ có nghèo phải đi ở thuê thì một ngày nào cha mẹ còn chỗ ở, con cũng còn chỗ ở, hoặc chí ít trái tim cha mẹ chính là ngôi nhà của con cái. Nhà của cha mẹ không chỉ là chỗ ở mà còn là nơi nương tựa tinh thần. Nhà của cha mẹ không chỉ có nhà mẹ mà còn có anh chị em của chúng ta. Nhà của cha mẹ mãi là nhà của con cái. Khi cha mẹ còn thì chúng ta luôn còn chỗ quay về. Khi cha mẹ không còn thì ngôi nhà đó không còn của chúng ta nữa, ngay cả khi nó không được bán đi, nhưng lúc đó anh em có thể đã xa cách tình cảm với nhau rồi. Khi cha mẹ còn, anh em là người một nhà, cứ về dưới chân cha mẹ thì đều là người một nhà. Nhưng khi cha mẹ mất đi, anh em lại có thể có thêm khoảng cách, thậm chí tranh giành ngôi nhà cha mẹ để lại mà trở thành xa lạ.
Thế nên còn cha mẹ là còn hạnh phúc. Hãy trân trọng những lúc cha mẹ còn.
Khi ta già, tới nhà con hãy nhớ nhà con không phải nhà cha mẹ
Ngay cả khi cha mẹ mua ngôi nhà đó cho con, hãy cởi lòng mình ra để nghĩ rằng ta cho con tức là nhà đó thành nhà của con, đừng cố chấp niệm rằng nhà là bố mẹ mua cho mà, mình là bố mẹ nó mình có quyền. Hoặc cứ nó là con tôi thì nhà nó cũng là nhà của tôi thì cuộc sống tuổi già của bạn sẽ nhiều sóng gió u phiền, oán trách.
Luật đời là nước mắt chảy xuôi, rồi một mẹ nuôi mười con mà mười con không nuôi được một mẹ. Thế nên đừng nghĩ về già cứ tới nhà con ở là vui vẻ. Có con cái hiếu thuận có con không. Và thực tế rằng cha mẹ con cái khác nhau thế hệ tuổi tác, sinh hoạt nên dù con cái thương cha mẹ vẫn có những lệch pha, xung đột. Bởi thế nếu còn có thể tự lập đừng nghĩ cứ tới nhà con ở, đã nuôi con rồi giờ là lúc con phụng dưỡng lại. Hơn nữa lúc này con mình còn vợ, chồng, còn con cái chúng nó.
Cha mẹ đừng kể lể về những công trạng của mình với con để con thấy báo đáp cha mẹ là đương nhiên, để con thấy mọi thứ của con có được đều phải có công sinh dưỡng từ cha mẹ, để địa bàn của con thì cha mẹ có thể tự do lui tới. Nếu con có hiếu, con tự biết không cần cha mẹ kể. Nếu con bất hiếu cha mẹ càng kể càng không có giá trị gì.
Cha mẹ tuyệt đối đừng ôm đồm, tự ý khi tới nhà con. Con cái có sự sắp xếp riêng theo cách tổ chức của chúng. Cha mẹ nếu có chỉ nên góp ý đừng chỉ đạo, đừng can thiệp sâu vào đời sống của con.
Cha mẹ muốn tới thăm con cũng nên hẹn trước, báo trước để con cái sắp xếp thời gian, đừng nghĩ vì mình là cha mẹ chúng mình tới lúc nào chả được.
Dân gian còn lưu truyền câu nói thấm thía không kém “Sinh con là nhiệm vụ, nuôi con là nghĩa vụ nhưng dựa vào con là sai lầm”. Bởi thế cha mẹ sinh con là lựa chọn của cha mẹ, và đã sinh ra thì có nghĩa vụ nuôi con nhưng đừng nghĩ sinh con ra để sau này về già có chỗ nương dựa. Cha mẹ cần có sự chuẩn bị cho mình khi về già. Cách tốt nhất là vợ chồng già sống cùng nhau, tránh việc bán nhà mình cho con tiền mua nhà rồi nghĩ sẽ chuyển tới ở với con. Cha mẹ già cũng nên chuẩn bị có tài sản tiết kiệm riêng lo tuổi già, đừng để con biết số tiền đó. Là cha mẹ yêu con là tự nhiên, không đòi hỏi con là thanh thản, lo liệu trước cho mình là khôn ngoan.