Đề xuất này được đưa ra trong Dự thảo Thông tư liên tịch Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Công an - quy định về trang bị, quản lý công cụ hỗ trợ của lực lượng thanh tra ngành GTVT, Bộ GTVT là cơ quan soạn thảo đã hoàn tất và đang lấy ý kiến.
Theo đó, những công cụ hỗ trợ trang bị lực lượng thanh tra GTVT gồm: Các loại súng dùng để bắn đạn cao su, hơi cay, chất gây mê, pháo hiệu và các loại đạn dùng cho các loại súng này; các loại phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê; các loại dùi cui điện, dùi cui cao su; áo giáp, găng tay bắt dao.
Lực lượng Thanh tra GTVT trực tiếp thực thi công vụ sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ.
Những công cụ hỗ trợ nói trên sẽ được trang bị, quản lý và sử dụng theo nguyên tắc tuân thủ đúng các quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và các quy định tại Thông tư này. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động và đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng Thanh tra GTVT. Bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đúng kế hoạch và đúng đối tượng sử dụng.
Bộ GTVT cho biết, công cụ hỗ trợ chỉ được giao cho những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT, bao gồm: Thanh tra viên, Công chức thanh tra chuyên ngành, Viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra.
Tiêu chuẩn đối với người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải là người có phẩm chất đạo đức tốt; có sức khỏe phù hợp với công việc được giao, được cơ sở y tế cấp huyện trở lên chứng nhận; được huấn luyện về chuyên môn, tính năng, tác dụng, kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng công cụ hỗ trợ.
Trong Dự thảo Thông tư này, Bộ GTVT cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ. Theo đó, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo đúng quy định tại Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 và các quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Để sử dụng công cụ hỗ trợ, lực lượng Thanh tra GTVT sẽ được đào tạo, tập huấn theo sự hướng dẫn của cơ quan Công an có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Công cụ hỗ trợ sẽ được lập kế hoạch và trang bị cho lực thượng Thanh tra trực tiếp làm nhiệm vụ ở các cơn quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, gồm: Thanh tra Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ GTVT cho hay, các đơn vụ sử dụng công cụ hỗ trợ sẽ phải báo cáo tình hình theo định kỳ 6 tháng (trước 15/7) và 1 năm (trước 15/1). Trường hợp công cụ hỗ trợ bị mất, thất lạc thì thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp giấy phép sử dụng để phối hợp giải quyết, đồng thời gửi báo cáo bằng văn bản đến Tổng cục, Cục, Giám đốc Sở GTVT chậm nhất là sau 5 ngày kể từ ngày phát hiện công cụ hỗ trợ bị mất hoặc thất lạc.