Thị trấn Xinchang, thành phố Thành Đô nổi tiếng là nơi sản xuất hương hàng đầu của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Hầu hết các gia đình ở đây đều sống bằng nghề làm hương que truyền thống.
Không chỉ sản xuất loại hương que thông thường để thắp trên bàn thờ mỗi gia đình, ngôi làng còn làm ra loại hương khổng lồ cao tới 2-3 mét để trong các đền, chùa và những nghi lễ quan trọng, đặc biệt là dịp Tết.
Những cây hương khổng lồ cao quá đầu người. |
Trước đây, tất cả hương đều được người dân làm bằng tay. Đây là một kỹ năng được lưu truyền qua nhiều đời.
Kể từ khi người dân chuyển sang dùng máy để sản xuất, năng suất đã tăng gấp 10 lần. Một xưởng sản xuất nhỏ gồm 30 người có thể cho "ra lò" khoảng 4 triệu cây hương trầm mỗi ngày.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng thích đưa máy móc vào sử dụng trong sản xuất hương, bởi họ đã quen với cách làm thủ công truyền thống.
Người làm nghề này là luôn phải hứng chịu bụi bẩn. |
Ông Fu, một người đã có 38 năm trong nghề cho biết: “Tôi được học kỹ thuật làm hương từ năm 12 tuổi và làm cho đến giờ. Mỗi người có thể làm được khoảng hơn 20.000 que hương mỗi ngày”.
Các nguyên liệu để làm ra một cây hương gồm: tre, mùn cưa, bột cây long não và thuốc nhuộm. Các công đoạn làm hương cũng không quá khó, tuy nhiên, mỗi gia đình có bí quyết làm hương riêng để có được mùi thơm đặc trưng.
Ban đầu, họ nhúng khoảng 100 que tre vào nước để làm ẩm. Sau đó, họ sẽ nhúng chúng vào lớp bột màu. Tiếp đến họ sẽ phơi khô những que hương đã nhuộm đỏ trước khi chuyển tới xưởng để đóng gói.
Hương khổng lồ thường được dùng trong các đền, chùa. |
"Chúng tôi bắt đầu công việc từ 5h và kết thúc vào lúc 18h vào mùa hè, và bắt đầu từ 6h và kết thúc lúc 18h khi trời đông. Chúng tôi phải đứng liên tục trong 10 tiếng để ngâm những que hương vào nước và giũ chúng trong lớp bột màu. Công việc này lặp đi lặp lại như vậy", ông Fu nói.
“Làm hương cũng cần phải biết kiên nhẫn và khó khăn lớn nhất với người làm nghề này là luôn phải hứng chịu bụi bẩn. Chúng tôi kiếm được hơn 2.000 nhân dân tệ (gần 7 triệu VNĐ) mỗi tháng. Làm việc tại gia đình thì đó là một số tiền đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày”, ông Fu nói thêm.
Theo ông Fu, lớp thanh niên trong làng không hứng thú với công việc này bởi nó khá vất vả và luôn phải đối diện với bụi bẩn. Con trai ông Fu cũng đã tìm cho mình một công việc ở thành phố khác.
Cận cảnh công nghệ "giẫm chân" sản xuất miến ở Hà Nội Đôi chân trần vừa đi trên đất những người làm miến Cự Đà không ngại quần xéo, giẫm lên những sợi miến. Họ giải thích: “Làm thế để miến dẻo hơn”. |