Trong cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (2019nCoV) gây ra. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu".
WHO mô tả trường hợp khẩn cấp là một "sự kiện bất thường" vì các quốc gia khác có nguy cơ đối mặt với sự lây lan nhanh chóng của virus corona. Do đó, cần phải có phản ứng toàn cầu để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh này.
"Lý do chính để WHO đưa ra tuyên bố này không phải vì những gì đang xảy ra ở Trung Quốc mà là vì những gì đang xảy ra ở các quốc gia khác, các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn, không sẵn sàng đối phó với dịch bệnh này", Tổng Giám đốc WHO cho biết.
Những ngày qua, số ca nhiễm 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp đã gia tăng như vũ bão lên đến hơn 8.200 ca. Tính đến 23h30 ngày 30/1 (giờ Việt Nam), theo báo South China Morning Post, số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu lên đến 8.241, bao gồm 8.123 ca nhiễm và 171 trường hợp tử vong ở Trung Quốc đại lục.
Trước dịch viêm phổi lạ do virus corona, WHO đã 5 lần ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Lần đầu tiên được ban bố tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), lần thứ hai vào tháng 5/2014 do bệnh bại liệt, lần thứ 3 và thứ 5 vào năm 2014 và 2019 trong dịch virus Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là năm 2016 với dịch bệnh do virus Zika ở châu Mỹ.