Dịch vụ Việt Nam: Phí càng tăng, chất lượng càng giảm

14:24, Thứ hai 26/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Theo lý thuyết thông thường nếu chi phí tăng, chất lượng cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, thuế phí càng tăng thì chất lượng dịch vụ lại càng giảm.

Đề xuất tăng thuế, phi được đưa ra, cơ quan chức năng phê duyệt, người dân thì tất nhiên không còn cách nào khác là phải chung chia với các đơn vị. 

Vấn đề sẽ không có gì đáng nói bởi có rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này để giải quyết những khó khăn cho ngân sách nhà nước. Và theo lý thuyết thông thường nếu chi phí tăng, chất lượng cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, thuế phí càng tăng thì chất lượng dịch vụ lại càng giảm.

Viện phí liên tục tăng

Từ giữa năm ngoái, một loạt các bệnh viện đã rục rịch điều chỉnh giá viện phí. Hiện cả nước chỉ còn TP.HCM là chưa tăng. Theo lý giải của các cơ quan chức năng, nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện về cơ bản chỉ đủ trả tiền lương và phụ cấp cho cán bộ y tế (nhiều bệnh viện còn chưa đủ). 

Trong khi đó, liên Bộ Y tế - Tài chính vừa hoàn tất dự thảo về khung viện phí tối đa tính đủ 7 yếu tố cấu thành dịch vụ y tế. Lần điều chỉnh giá gần đây mới chỉ tính 3 yếu tố. Theo dự thảo này, thông tư sẽ được áp dụng từ năm 2014. Trong đó sẽ điều chỉnh giá viện phí đối với nhóm bệnh viện công lập tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển; cơ sở xã hội hóa và khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Dự kiến năm 2014 sẽ tiếp tục tăng giá viện phí.

Mức viện phí này sẽ được tính đầy đủ 7 yếu tố cấu thành gồm: chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế; chi phí điện, nước, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; tiền lương và phụ cấp cho cán bộ y tế; chi phí duy tu bảo dưỡng; khấu hao tài sản; chi phí của bộ phận gián tiếp đảm bảo hoạt động bình thường của đơn vị; chi phí đào tạo, ứng dụng các kỹ thuật mới.

Theo lý giải của ngành y tế, mục tiêu điều chỉnh viện phí là để các bệnh viện có kinh phí để triển khai việc khám chữa bệnh theo đúng các quy định của Bộ Y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, viện phí càng tăng thì chất lượng dịch vụ lại càng giảm. Theo số liệu thống kê, vào năm 2012, không ít bệnh viện ở nước ta đang ở trong tình trạng công suất sử dụng giường là từ 141% đến 249%; chỉ số giường bệnh hiện nay là 21,5 giường/vạn dân. So với một số nước ở khu vực châu Á đạt chỉ số 140 giường/vạn dân, thì như vậy ở nước ta còn rất thấp… Hiện tượng quá tải trong các bệnh viện còn nghiêm trọng đến mức có lần Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi thị sát đã phải thốt lên 'bệnh viện như trại tị nạn', 'đến thăm là thấy khổ tâm'...

Bên cạnh đó, thời gian khám chữa bệnh hiện nay còn rất lâu, ở các bện viên tuyến TW việc người dân phải xếp hàng cả ngày mới có thể khám bệnh là chuyện thường. Thái độ của y bác sĩ cũng là vấn đề đáng bàn đến, không chỉ thiếu sự vui vẻ hòa nhã với người bệnh, hiện tượng tiêu cực, nhận phong bì còn rất phổ biến ở các bệnh viện dù ngành y tế liên tục tổ chức các chương trình nâng cao y đức, nói không với phong bì...Vụ việc nhân bản xét nghiệm mới đây ở bênh viện đa khoa Hoài Đức đã khiến dư luận bàng hoàng, xôn xao.

Phí giao thông càng tăng, tai nạn càng nhiều

Bên cạnh việc tăng phí cho ngành y tế, ngành giao thông đứng trước khó khăn của việc thiếu vốn cũng đã rất chịu khó đưa ra các khoản phí để móc hầu bao của người dân.

Áp dụng triệt để quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Việc đóng phí thể hiện sự yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và tự hào", Bộ Giao thông thường xuyên thắp sáng tình yêu nước trong người dân bằng việc ban hành các chính sách về thuế, phí, như phí bảo trì đường bộ, đề án thu phí hạn chế ô tô vào nội đô giờ cao điểm, kêu gọi đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) để thu phí cầu đường. 

Bên cạnh đó, Bộ GTVT còn cùng Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua lộ trình phí phương tiện qua các trạm BOT tăng 3,5 lần so với hiện nay trong giai đoạn từ nay tới năm 2016.

Trong khi thuế, phí ngày càng tăng, người dân liên tục bị truy thu thì tai nạn giao thông không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng mạnh. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 đầu năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại phiên họp Chính phủ thường kỳ 6/2013 cho thấy tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp. Số vụ tai nạn lẫn số người thương vong đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng các vụ tai nạn giao thông nghiêm tọng ngày càng tăng cao

Cả nước đã xảy ra hơn 5.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 4.900 người, tăng  bị thương 3.500 người.

Bên cạnh đó, chất lượng các công trình giao thông cũng không hề tốt như người dân mong đợi. Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước năm 2012, công tác quản lý chất lượng tại nhiều công trình còn hạn chế, thi công không đúng thiết kế, vật liệu không đúng chủng loại, biện pháp thi công không phù hợp, năng lực giám sát và việc chấp hành chế độ hồ sơ, nhật ký thi công còn nhiều bất cập. Điển hình là các dự án của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường...

Trong đó, nhiều công trình đã có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng như đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, đường Láng - Hòa Lạc, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 48 đoạn Yên Lý - Nghĩa Thuận.

Thực trạng này đã khiến không ít người phải thắc mắc đóng nhiều loại phí giao thông như vậy có tác dụng gì?

Cước mạng tăng, chất lượng thì hỏi chấm

Tỏ ra không kém cạnh với các ngành y tế, giao thông, ngành bưu chính gần đây cũng đã rục rịch chuẩn bị tăng giá. Đầu tháng 7, nhà mạng lại đề nghị cơ quan chủ quản cho tăng cước sau khi đã tăng cước từ tháng 4 khiến người tiêu dùng ngao ngán.

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, lãnh đạo các mạng di động đồng loạt phàn nàn về việc các dịch vụ nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí (OTT) đang làm giảm cả ngàn tỉ đồng doanh thu của họ.

Người tiêu dùng thời gian tới sẽ phải mất thêm tiền nếu muốn dùng 3G. Ảnh:PLTP

Phát biểu với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, nói dịch vụ OTT qua mạng WiFi, 3G (như Viber, Zalo, Line…) đang là nguy cơ đối với các doanh nghiệp viễn thông. Nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng OTT thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm đến 40%-50%.

Đại diện VinaPhone và MobiFone cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng không kiểm soát được dịch vụ OTT bởi dịch vụ này chủ yếu được cung cấp bởi các công ty nước ngoài, không đặt máy chủ tại Việt Nam. Nhiều đối tượng đang sử dụng dịch vụ OTT để nhắn tin quảng cáo rác đến hàng loạt thuê bao khác…

Lãnh đạo các nhà mạng úp mở chuyện đề xuất tăng cước 3G với lý do giá dịch vụ này thấp. Viettel đã “đánh tiếng” với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tăng cước 3G vào đầu tháng 7, trong khi đó MobiFone và VinaPhone đã “thông báo đến từng thuê bao” tăng giá gói cước 3G không giới hạn từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/tháng và điều chỉnh một loạt gói cước dịch vụ 3G khác vào tháng 4/2013...

Vấn đề đáng nói là ở chỗ theo kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM trong năm 2012, do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen phối hợp với báo Bưu điện Việt Nam tổ chức và công bố vào ngày 9/5/2013, tỷ lệ người sử dụng thuê bao internet 3G (công nghệ viễn thông thế hệ ba) tăng xấp xỉ 5 lần trong năm 2012 so với năm 2011, trong khi đó mức độ hài lòng của khách hàng với dịch vụ này lại đang giảm đi.

Cụ thể, khách hàng hài lòng với độ rộng của vùng phủ sóng 3G (84/100 điểm) song vẫn chưa thực sự hài lòng về tốc độ đường truyền của các nhà mạng (55/100 điểm).

Ông Zhao Wei Jun, Tổng giám đốc Huawei Việt Nam nhận xét, hiện dịch vụ 3G của Việt Nam truy cập khá tốt khi di chuyển (trên ô tô…) nhưng lại chưa được tốt khi truy cập ở trong nhà, tại một số tòa nhà hoặc văn phòng. Trong khi đó phần lớn người dùng truy cập 3G khi ở nhà, văn phòng chứ không phải khi di chuyển. Do đó các mạng di động cần phải đầu tư các giải pháp công nghệ đã có trên thị trường để khắc phục điều này.

Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc người dân chia sẻ khó khăn với ngân sách Nhà Nước âu cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, nếu hiện tượng càng đóng nhiều loại thuế phí mà chất lượng càng giảm thì quả thật khiến người phải chi tiền khó mà cam lòng cho nổi.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc