Mới đây, Diva Mỹ Linh kể về câu chuyện của gia đình chồng ít ai biết: "Hôm trước ông xã hỏi lịch em thế nào để còn thu xếp đi thanh minh ông bà ngoại. Đợt này dạy kín tuần lại đi hát, đi quay hình gameshow nên bận lu bu chả có ngày nào rảnh. Cuối cùng chốt hôm nay chủ nhật cho học sinh nghỉ cả rồi đi.
Đêm qua khu mình ở mưa to và mưa lâu tưởng không đi được lại hoãn mà rồi quá mười giờ cũng tới, muộn mất hơn tiếng so với hẹn, may mà mẹ chồng đúng ngày mát trời nên không mắng hai đứa một trận.
Diva Mỹ Linh và mẹ chồng.
Hôm nay đúng mát trời cho người đi tảo mộ, sau một ngày oi nồng thì sớm nay mát như ly trà đá sau trận mưa rửa sạch đất trời. Mẹ bảo "khiếp mẹ lo quá, nghĩ có khi chả đi được. Bà mong nhà mình quá nên khiến trời đẹp đấy!". Mình để ý dạo này nhà làm gì thì mẹ cũng lại quy về một mối là do ông bà phù hộ. Nhớ hồi ông mới mất, mẹ mình bao lâu rao mãi chả bán được nhà, thì khấn ông cái có người đến đặt tiền mua luôn. Xong lại tìm mua nhà mới mãi chả được, khấn ông xin cái lại có nhà ngay. Nên mẹ càng tín. Mẹ mới khoe bà, hồi đó bà còn khoẻ chứ chưa ốm như đoạn sau này, bà liếc cái mắt cười cười "gớm bố mày lúc sống cậy răng chả nói một câu mà mày lại hy vọng ông ý xuống kia lại tháo vát thế á?". Giờ thì đến bà, đang mưa to mà trời đẹp là do bà... Mỗi lần mình thấy mẹ mình nói giọng trìu mến đầy tin tưởng làm mình cũng thấy yên tâm.
Mình về làm dâu gia đình lúc mẹ chồng mình bằng tuổi mình bây giờ và bà thì mới U60 vẫn còn trẻ đẹp, đi lại phăng phăng, nấu ăn khéo lắm. Bà ngoại như người mẹ thứ hai của chồng mình. Hồi đó mẹ chồng mình đi văn công nên đi suốt, đẻ con ra toàn bà ngoại chăm. Thế nên bà ngoại vừa là bà vừa là bạn có chuyện gì cũng kể. Hoá ra chuyện anh xã tán mình thế nào, hỏi cưới mình ra sao bà biết trước cả mẹ chồng mình. Về làm dâu bà yêu cháu trai nên yêu cháu dâu toàn kho thịt kho cá gửi cho, bà bảo bà toàn nghe Linh hát giờ thành người trong nhà biết tính tình càng quý hơn. Ông Cao Nhị - chồng bà thì cứ nghe nửa bài "Chị tôi" là đã nước mắt ngân ngấn rồi.
Bà mình gái Kinh Môn, Hải Dương đẹp người đẹp nết. Gia đình kháng chiến chạy Tây nên lưu lạc về Yên Bái những năm bà còn nhỏ. Sau bà gặp ông, chồng trước của bà cũng là ông ngoại chồng mình ngoài kháng chiến. Ông hồi đó là bên cục 2 quân đội là lính tình báo. Trai phố cổ Hà Nội cao mét tám, thành thạo mấy ngoại ngữ.... Bà là y tá tuổi chớm đôi mươi đẹp như bông hoa mới nở. Ông bà thương nhau mà nên duyên, cưới ngoài chiến khu chẳng kịp báo gia đình. Bà kể đoạn đời ấy đẹp quá như thơ như trong những cuốn tiểu thuyết thời mới lớn bà mộng mơ.
Mẹ chồng mình và chú Lâm đều sinh ra trong rừng, lúc ông bà sống quãng đời đẹp nhất. Lúc bà sinh cô út thì ông bệnh mà mất. Bà như chết đi sống lại khóc ông và khóc cho mình. Khóc cạn nước mắt thì bốn mẹ con đứa bế đứa dắt bộ, đứa ngồi trên gánh dắt díu nhau lần tìm về thành phố, túi không tiền, không giấy tờ, không gì hết. Bà bảo khổ không sao mà kể xiết. Bà tìm về nhà người quen ở Hải Phòng thì cô út bệnh mà mất trên tay bà, chỉ là tiêu chảy mà không có tiền đi bác sỹ thôi. Bà trẻ quá, ngây thơ thấy người ta bảo đừng cho nó uống nó càng đi đấy. Thế là cô mất chắc vì khát nước. Khóc chồng nước mắt cạn giờ bà khóc thêm con, bà kể khóc đến độ thấm cái khăn mùi xoa mà nó hồng màu máu...
Còn lại ba mẹ con lại dắt díu nhau về Hà nội, bà quyết đi tìm gia đình chồng để nhận cháu nhận con. Từ cô gái chưa biết nhiều vất vả thế nào bà làm đủ nghề từ đóng gạch, phu hồ, làm thuê làm mướn miễn đủ tiền gạo ăn đong từng ngày...
Người chồng sau của bà là nhà văn Cao Nhị. Bà sinh được với ông thêm cô Nhi, chú Mạnh. Ông cũng có con trước đó nữa nên gia đình điển hình con anh con tôi và con chúng ta. Thế nên lúc mình về làm dâu vì gia đình có truyền thống anh em khác dòng nhưng thương yêu nhau lắm nên mọi việc cũng nhẹ nhàng bình thường thôi ấy. Chả ai hỏi gì và cũng thông cảm san sẻ vô cùng.
Bà kể cái đoạn ông hỏi bà làm vợ mà chết cười. Đang đi xe đạp ông dừng lại bảo "Này cô Huyền, tôi thấy cô cũng đẹp người, lại khéo léo thu vén, hay về ở cùng với tôi được đấy?". Thế là có vợ, đúng là dễ quá đi. Nhưng với một người cả ngày không nói một câu thì đoạn ấy kể cũng đã là khá dài rồi ấy...
Mộ bà và ông ở cạnh nhau chung một ngôi mộ đôi. Cái ảnh bà cũng là bà tự chọn tự rửa sẵn để đó đợi khi dùng. Bà bảo mẹ chồng mình "mẹ rửa hai tấm hình. Cái ảnh hồi trẻ Hiền thờ mẹ với bố con. Còn cái ảnh sau Hiền đưa Mạnh để cạnh ông". Cả hai cái ảnh đều tự tay bà chọn đi ra hiệu ảnh phóng to. Thế nên cứ ngày giỗ bà thì trên ban thờ nhà mẹ là cô gái thanh xuân đẹp rực rỡ, đoan trang, ánh mắt đẹp dịu dàng thủa bà 18 tuổi. Còn sang chú Mạnh thì ảnh lão bà đẹp cái vẻ đẹp nghiêm nghị cái đẹp của người phụ nữ đẹp đã đi qua hết những ngày giông bão của đời này nên nó có ánh mắt hiền và vẻ an yên của người biết đã sắp hoàn thành nhiệm vụ và đi nốt chặng cuối đời mình.
Sáng nay anh xã đứng lầm vầm khấn lâu lâu, chắc nhớ thương bà lắm. Xong thấy anh ấy gọi hai đứa con ở xa để cho chúng thấy ảnh mộ cụ.
Lúc sau thấy mẹ chồng mình và chú Mạnh đứng bàn bạc mua thêm miếng đất nhỏ để mai này mấy anh chị em mình ở góc nào bên cạnh mẹ. Rõ là sống đã mệt rồi lại còn lo lúc chết nữa . Mình bảo mẹ ơi anh Quân con không thích nghe mẹ nói chuyện ấy đâu. Mẹ bảo "kệ tao, đáng việc của chúng mày mà mẹ tự lo trước rồi đây".
Mình ghé tai anh xã bảo anh ơi mai này hai đứa mình cũng ở gần nhau thế này đây. Anh xã xiết nhẹ tay mình chả biết ý gì".