Cư dân mạng và cả báo chí chính thống mấy hôm nay đang sôi sùng sục chuyện đoàn các “cán bộ cao cấp” của Hội chữ thập đỏ Việt Nam sang tham quan, giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thảm họa động đất tại Nepal. Tai hại thay, đúng lúc đoàn đang ở Nepal thì xảy ra động đất thật, rất lớn, làm hàng nghìn người người chết, cả thế giới bàng hoàng, thương xót.
Và cả đoàn Việt Nam đã… vội vã lên máy bay về nước, trong khi thế giới ùn ùn cử người đến tham gia chiến dịch cứu nạn cho nhân dân Nepal.
Sẽ không có gì ầm ĩ (vì sẽ không ai biết) nếu một cán bộ của đoàn sau đó trả lời phỏng vấn truyền hình và báo trong nước về việc đoàn đã trở về nước an toàn, và mô tả chuyến trở về đầy vất vả giữa hoang tàn đổ nát như một… chiến công!
Cảnh tan hoang sau động đất ở Nepal. |
Trước không khí nóng bỏng của dư luận, một vài cán bộ trong đoàn phản pháo bằng việc cho rằng trong tình hình ấy về tức là… giúp Nepal, rằng họ không có kỹ năng đào gạch bới đất cứu người, về để điều khiển từ xa tốt hơn.
Người khác trong đoàn nói, họ không chỉ sang nghiên cứu học hỏi về động đất mà còn nhiều thứ khác nữa khi bị vặn rằng “Nghiên cứu động đất sao không sang nước có động đất thường xuyên và nhiều kinh nghiệm hơn. Nepal ngàn năm mới có động đất thì sang để du lịch chứ học hỏi gì?”
Cuộc tranh luận về đâu đi nữa thì hành động bỏ về giữa lúc nước bạn đang dầu sôi lửa bỏng trong khi mình là cán bộ của hội Chữ thập đỏ là không thể chấp nhận được. Nếu là người bình thường có thể không đáng nói, đằng này họ là người của tổ chức nhân đạo, chuyên tổ chức cứu giúp người bị nạn.
Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) có được học hỏi gì về cứu người đâu, thế mà họ đã sang Nepal để cứu giúp người Việt đang mắc kẹt ở đấy?
Các bạn đã tháo chạy khỏi Nepal như nào? Mình thấy buồn hơn khi đoàn Hội chữ thập đỏ Việt Nam qua học kinh nghiệm ứng phó với động đất nhưng thấy động đất thì tháo chạy trở về. |
Chưa hết, dư luận càng phẫn nộ hơn khi bức ảnh vô cùng phản cảm lọt ra ngoài. Trong bức ảnh, một cán bộ nữ của đoàn công tác đang đứng chỉ tay vào ngôi nhà đổ sập và cười rất tươi. Một số cư dân mạng phản biện rằng có thể bức ảnh ấy không phải chụp ở Nepal, nhưng chính một thành viên trong đoàn công tác, là người lên truyền hình, xác nhận rằng, bức ảnh ấy được chụp ở Nepal, đúng thời điểm động đất. Nếu là thế, thật không còn gì để nói.
Lâu nay chúng ta nói nhiều về sự vô cảm xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng ai cũng nghĩ người có hành vi vô cảm ấy không phải là mình. Tuy nhiên, khi chúng ta, dẫu vô tình hay cố ý, “xuất khẩu” sự vô cảm ấy ra nước ngoài thì nỗi nhục này lớn hơn bao giờ hết.
Theo thông tin được biết, hôm qua, một số tờ báo nước ngoài đã đăng việc đoàn cán bộ hội Chữ Thập đỏ Việt Nam bỏ về khi nước bạn đang hoạn nạn động đất, và đăng ảnh chị cán bộ trong đoàn đang hớn hở chỉ tay vào ngôi nhà sập.
Cũng nói thêm, chính những người dân bình thường nhất, những chị tiểu thương, anh xe ôm, cháu bé bán vé số… lại thường là những người có tinh thần cộng đồng cao nhất, là người chủ động xả thân vì người khác hơn những người có trách nhiệm trong các cơ quan nhà nước. Hãy xem các phong trào từ thiện lâu nay, những hành vi đẹp lâu nay, sẽ thấy điều nhận xét trên là đúng.
Và việc 10 cán bộ “cấp cao” của hội chữ thập đỏ Việt Nam nhanh chóng rời khỏi Nepal giữa lúc họ hoạn nạn, giữa lúc họ cần giúp đỡ hơn bao giờ hết càng củng cố thêm điều ấy.
Cơn ác mộng Nepal và những trường hợp sống sót kỳ diệu Người mẹ dùng tay không đào đất tìm con, phải uống nước tiểu của mình để sống hàng chục giờ đồng hồ... là những trường hợp sống sót kỳ diệu trong cơn ác mộng ở Nepal. |