Bộ Y tế lập đường dây nóng phản ánh tiêu cực
Ngày 18/11 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường đường dây nóng. Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đường dây nóng sẽ là nơi tiếp nhận kịp thời các phản hồi từ bệnh nhân và người nhà về những bất hợp lý, tinh thần thái độ của các nhân viên y tế trong BV công.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong phiên họp trực tuyến thiết lập đường dây nóng của Bộ Y tế. Ảnh: Quân đội nhân dân |
“Đây là một trong những biện pháp nhằm chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đáp ứng nhanh những tình huống khẩn cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế”, ông Khuê nhấn mạnh.
Dự kiến hệ thống này sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2014. Hệ thống đường dây nóng này sẽ miễn phí hoàn toàn và số liên lạc là 0973.306.306.
Bệnh viện phải có quy định, phân công người thường trực 24/24h để tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh qua đường dây nóng. Người tiếp nhận có trách nhiệm giải thích rõ, xử lý ngay những vấn đề có thể, chuyển tới các cá nhân, bộ phận liên quan.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, những thông tin phản ánh tiêu cực liên quan đến bệnh viện nào thì giám đốc bệnh viện đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
Nội dung tiếp nhận ý kiến phản ánh qua đường dây nóng bao gồm: Tinh thần thái độ phục vụ chưa tốt, ứng xử chưa phù hợp; Chậm xử trí các tình huống khẩn cấp; Không hướng dẫn hoặc cung cấp đầy đủ thông tin cho người bệnh; Có biểu hiện vòi vĩnh, tiêu cực; Có bằng chứng về nhận phong bì, bồi dưỡng trong quá trình người bệnh đang nằm viện...
Mục đích Bộ Y tế cũng đã lập đường dây nóng là để tiếp nhận các thông tin mà bệnh nhân và người nhà phản ánh, kịp thời giải quyết khắc phục, đồng thời cũng là giải pháp chấn chỉnh y đức của cán bộ nhân viên ngành y tế.
Ngành giáo dục cũng có đường dây nóng
Trước đó, ngay trước kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2013, Bộ GD&ĐT cung cấp đường dây nóng nhận phản hồi về công tác tổ chức thi. Đường dây nóng do thanh tra trực; Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời hộp thư nóng.
Ngay trước kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2013, Bộ GD&ĐT cung cấp đường dây nóng nhận phản hồi về công tác tổ chức thi. (Ảnh minh họa) |
Mặc dù như kỳ vọng của các nhà tổ chức, đường dây nóng nhận được rất nhiều cuộc gọi từ nhân dân nhưng đáng buồn là các cuộc gọi toàn hỏi những thông tin hướng dẫn như: hôm nay thi môn nào, thi mấy giờ, điểm thi bao nhiêu, điểm thi năm nay cao hay thấp... mà không phản ánh tiêu cực gì. Những câu mang tính hướng dẫn thì thanh tra trả lời ngay, những câu về điểm thi thì không thể trả lời vì còn tùy sức làm bài của thí sinh.
Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, thông tin khiến đường dây nóng phải xử lý gấp trong kỳ thi vừa qua là: "Có bạn đọc phản ánh trang web soho có đề thi đưa lên. Chúng tôi đã chuyển ngay cho Ban thường trực tuyển sinh kiểm tra. Kết quả, đó là một đề thi cũ".
Đường dây nóng giao thông, du lịch kém hiệu quả
Trước đó, vào tháng 5/2013, Sở VH-TT&DL Hà Nội cũng thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách và kịp thời xử lý các vụ việc, từng bước xử lý dứt điểm các tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo, chèo kéo, đeo bám, "chặt, chém," trộm cắp tài sản của du khách nhằm tạo hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện. Thế nhưng, đến hiện tại hiệu quả của đường dây nóng vẫn chưa rõ rệt.
Hay cho đến đường dây nóng do Phòng CSGT đường bộ Hà Nội thành lập nhằm để người dân, hành khách tham gia giao thông nếu phát hiện xe buýt “nhái”, có thể thông báo cũng đi vào hoạt động mà chưa hề có hiệu quả.
Hồi tháng 1, Sở GTVT Hà Nội cũng có văn bản đề nghị Công an Thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý triệt để các trường hợp “xe dù, bến cóc” và xe khách có dấu hiệu “bảo kê” để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bến xe.
Ngoài ra, yêu cầu tất cả các bến xe liên quan trên địa bàn HN có trách nhiệm giám sát hoạt động của các doanh nghiệp vận tải kịp thời thông báo về số điện thoại đường dây nóng của Thanh tra Sở để kịp thời xử lý. Nhưng khi liên hệ với đường dây nóng để phản ánh nhưng không có người nghe máy.
Cho đến nay, hoạt động của những đường dây nóng này chưa được phát huy, thậm chí nhiều người dân còn chưa bao giờ nhớ đến.
Trước việc trong thời gian gần đây, với bất kỳ vấn đề gì người dân có nhiều bức xúc và phản ánh, các cơ quan chức năng lại thành lập đường dây nóng, đã có nhiều ý kiến cho rằng dường như các cơ quan chức năng đang lạm dụng đường dây nóng.
Có thể người ta xem đường dây nóng là cách nhanh chóng để tiếp thu thông tin và trấn an dư luận, tuy nhiên, trên thực tế nếu đường dây lập ra chỉ để cho có và không phổ biến thông tin đến rộng rãi người dân thì kể cả có lập đến cả chục đường dây nóng cũng khó có thể đạt được mục đích giải quyết các vấn đề nhức nhối trong xã hội.