F0 ho như cuốc kêu: Lương y chỉ loại thảo dược rẻ tiền giúp kháng virus, chống viêm, giảm ho, đờm hiệu quả

( PHUNUTODAY ) - Sử dụng loại thảo dược này sẽ giúp cải thiện các vấn đề về ho, đờm, tăng cường sức đề kháng cho F0.

Theo Infonet, TS. lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, mật ong là được coi là tinh hoa của trăm loại thảo mộc, chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như vitamin nhóm B, vitamin C, đồng, sắt, canxi... Mật ong giúp tăng cường sức đề kháng, cải thiện tiêu hóa, làm đẹp da, chống lão hóa, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể...

Trong y học cổ truyền, mật ong có vị ngọt, tinh ôn hòa, nhu nhuận; tác dụng bổ trung, nhuận táo, hoạt trường, giải độc.

Theo lương y Phùng Tuấn Giang, mỗi gia đình nên có sẵn một lọ mật ong ngâm thảo dược để tăng cường sức đề kháng, phòng chống Covid-19.

Dưới đây là một số công thức ngâm mật ong thảo dược đơn giản.

Mật ong tỏi lên men

loai-thao-duoc-re-tien-tri-ho-01

Tỏi không chỉ là một loại gia vị mà còn được sử dụng như một loại thuốc với nhiều công dụng tốt. Tỏi có tác dụng tăng cường sức đề kháng; ngăn chặn, điều trị các bệnh viêm nhiễm, tim mạch, giảm cholesterol trong máu, điều hòa huyết áp, ngăn ngừa huyết khối...

Sử dụng tỏi cũng giúp giảm triệu chứng cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp bởi tỏi có thể ức chế và tiêu diệt virus, vi khuẩn.

Ngoài ra, tỏi còn được sử dụng để điều trị các bệnh về đường tiêu hóa.

Để làm mật ong tỏi lên men, bạn cần chuẩn bị mật ong nguyên chất, tỏi tươi bóc sạch vỏ. Bạn có thể dùng dao đập nhẹ tép tỏi để nó tiết ra một chút nước. Lượng tỏi nhiều hay ít tùy vào nhu cầu sử dụng.

Bỏ tỏi đã sơ chế vào lọ thủy tinh sau đó đổ mật ong cho ngập tỏi.

Đậy kín nắp lọ và đặt vào chỗ tối để lên men.

Mỗi ngày, bạn cần nhẹ nhàng lật ngược lọ tỏi để đảm bảo tất cả các tép tỏi đều được phủ đều bằng mật ong (nhớ vặn chặt nắp lọ). Sau đó, đặt lọ tỏi trở về vị trí thẳng đứng và hơi nới lỏng nắp lọ ra một chút.

Sau khoảng 1 tuần, bạn sẽ thấy một ít bong bóng nổi lên trên bề mặt của mật ong. Tỏi mật ong sẽ tiếp tục lên men trong khoảng 1 tháng nhưng bạn có thể sử dụng bất cứ lúc nào trong quá trình này. Hương vị của tỏi sẽ tiếp tục thay đổi theo thời gian.

Trong quá trình lên men, tép tỏi có thể chuyển sang màu xanh lam hoặc xanh lục. Tuy nhiên, nó không có hại và vẫn có thể sử dụng được. Nếu được bảo quản tốt, tỏi mật ong có thể để được nhiều tháng, thậm chí một năm hoặc lâu hơn.

Bạn có thể trực tiếp ăn tỏi và uống mật ong. Có thể pha loãng tỏi mật ong với nước để uống.

Ngoài ra, có thể sử dụng tỏi mật ong để trộn salad, làm sốt ướp thịt hoặc ăn cùng bánh mì.

Mật ong gừng

loai-thao-duoc-re-tien-tri-ho-03

Gừng cũng là một loại thảo mộc mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Gừng có tác dụng chống buồn nôn, hỗ trợ tiêu hóa, chống viêm, chống co thắt, làm ra mồ hôi, có tác dụng như một chất kích thích tuần hoàn, kích thích sự thèm ăn.

Gừng giúp làm ấm, thông mũi, giảm các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm, trị tắc nghẽn đường hô hấp, viêm họng. Gừng còn có khả năng chống viêm, chống virus.

Kết hợp gựng với mật ong sẽ tạo ra một hỗn hợp giúp chống virus, vi khuẩn và nấm, tăng cường sức đề kháng rất tốt.

Bạn cần chuẩn bị gừng tươi thái lát mỏng, nước lọc, mật ong theo tỷ lệ 1:2:1. Ngoài ra có thể chuẩn bị thêm 2-3 thanh quế (tùy chọn).

Cho gừng, quế và nước vào nồi đun sôi. Đun nhỏ lửa đến khi nước cạn còn một nửa. Lọc bỏ bã gừng, quế. Giữ lại phần nước và để nguội. Sau khi nguội, cho mật ong vào khuấy đều. Rót hỗn hợp vào lọ thủy tinh và đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong vòng 2 tháng.

Bạn có thể pha loãng mật ong gừng với nước nóng để uống giúp giảm mệt mỏi, chống buồn nôn, cải thiện các vấn đề tiêu hóa.

Ngoài ra, mật ong gừng cũng có thể dùng với các món bánh, làm nước sốt cho các món ăn.

Mật ong thảo dược trị ho

loai-thao-duoc-re-tien-tri-ho-04

Mật ong kết hợp với nước cốt chanh và các loại thảo mộc tự nhiên có thể giúp tăng cường sức đề kháng, làm dịu họng và dịu cơn ho.

Trong công thức này, bạn cần có giấm táo, nước cốt chanh, quế, gừng, mật ong.

Trong đó, giấm táo chứa các lợi khuẩn, giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm dịu đau rát họng. Tỏi có chứa allicin có khả năng diệt các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp, gây ho.

Nước cốt chanh có chứa nhiều vitamin và các chất chống oxy hóa giúp kháng viêm, thúc đẩy khả năng miễn dịch.

Quế và gừng đều có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm tự nhiên.

Để làm mật ong thảo dược trị ho, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu theo tỷ lệ như sau:

- 3 muỗng canh giấm táo (khoảng 45ml);

- Nước ép của 1½ quả chanh;

- 4 ½ muỗng canh nước (khoảng 68ml);

- 3 muỗng canh mật ong (khoảng 45ml);

- ¾ thìa cà phê tỏi xay hoặc băm nhỏ (khoảng 9-10 nhánh tỏi);

- 3 ¾ thìa cà phê gừng xay hoặc băm nhỏ (khoảng 11g);

- ¾ thìa cà phê bột quế (khoảng 4g).

Cho tất cả các nguyên liệu vào bình thủy tinh, khuấy đều và đậy nắp. Mỗi ngày dùng 1 muỗng canh (khoảng 15ml), ngày dùng 3 lần, uống vào buổi sáng, chiều và trước khi đi ngủ. Trước khi dùng nhớ trộn đều hỗn hợp. Lượng nguyên liệu ở trên có thể dùng được trong 3 ngày.

Để bảo quản, bạn cần cho lọ mật ong thảo dược vào ngăn mát tủ lạnh.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link