Con chip này sẽ liên tục kiểm tra các chất béo trong máu, và khi người bệnh ăn quá nhiều, nó sẽ kích thích cơ thể tiết ra một hormone làm giảm cảm giác đói.
Con chip chứa các loại gen được cấy vào cánh tay sẽ liên tục kiểm tra các chất béo trong máu và khi người bệnh ăn quá nhiều, nó sẽ sinh ra một hormone ngăn ngừa cảm giác đói. |
Phiên bản đầu tiên của thiết bị này khi được thử nghiệm trên chuột bạch đã khiến những con chuột béo phì ăn ít thức ăn hơn và trọng lượng cơ thể giảm xuống.
Đáng chú ý, thiết bị này sẽ tự ngừng phát ra các tác nhân giúp giảm cân khi người bệnh đạt tới trọng lượng bình thường.
Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ hy vọng rằng trong vòng 5 - 10 năm tới họ sẽ tạo ra một phiên bản chip với kích thước chỉ bằng một đồng xu và có thể cấy dưới lớp da mỏng ở cánh tay.
Tạp chí Nature Communications đã đăng một báo cáo chỉ ra rằng các con chip này có chứa hai loại gen làm việc với nhau để kiểm soát sự thèm ăn.
Loại thứ nhất sẽ kiểm soát nồng độ chất béo trong máu. Khi nồng độ này quá cao, nó phát tín hiệu cho loại thứ hai tác động làm giảm cảm giác thèm ăn.
Giáo sư Martin Fussenegger, người phát minh ra thiết bị này, cho biết các con chip có chứa kết hợp của các loại gen khác có thể được phát triển để xử lý các loại bệnh khác. Nếu hiệu quả, thiết bị này sẽ là giải pháp thay thế hoàn hảo cho các loại thuốc giảm cân đắt đỏ phải uống nhiều lần trong ngày và còn gây ra những tác dụng phụ khác như đau dạ dày.
Bệnh béo phì có thể làm giảm tới 9 năm tuổi thọ của một người và làm tăng nguy cơ gặp phải một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ, vô sinh, trầm cảm và một số bệnh ung thư.
Một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: "Nhân loại đang gặp vấn đề lớn về trọng lượng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hơn một nửa dân số ở nhiều nước công nghiệp phát triển bị thừa cân, cứ 3 người thì có 1 người béo phì. Thói quen tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều calo và chất béo không chỉ gây ra sự béo phì hiện rõ trên các bộ phận cơ thể như hông, mông và bụng, nó cũng để lại dấu vết trong máu, nơi chất béo khác nhau được tạo ra từ tiêu hóa thức ăn. Mỡ máu được coi là một yếu tố dẫn tới nguy cơ đau tim và đột quỵ."
Nếu có nguồn tài trợ phù hợp, loại chip này có thể được thử nghiệm trên người lần đầu tiên trong khoảng ba năm tới. Và nếu sản phẩm được chứng minh là an toàn, hiệu quả thì có thể sẽ được phổ biến rộng rãi sau đó một vài năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia Anh cảnh báo rằng rất khó để tạo ra một con chip làm giảm lượng lớn trọng lượng cơ thể và có khả năng làm việc lâu dài.