Chị cho biết, để giúp con nói chuẩn, chị đã bảo với con nói lắp là không tốt, rồi đề nghị cả nhà hễ thấy con nói lắp là bắt con nói lại ngay. "Có lúc mình cố tình nói nhại lại theo kiểu lắp của con rồi hỏi bé xem như thế nghe có hay không, hoặc khi con nói lắp thì không trả lời, không đáp ứng yêu cầu. Thế nhưng, điều tệ nhất là bé có vẻ ngày càng ít nói và hay khóc hơn", chị Thanh chia sẻ.
Chị Thanh nhại lại theo kiểu nói lắp của con khiến bé tủi thân. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, nói lắp không phải là việc hiếm đối với trẻ trong độ tuổi 2-5 tuổi, khi các bé học cách nhận biết âm thanh và sắp xếp từ với nhau để tạo thành các câu có ý nghĩa. Lúc này, bé muốn bày tỏ quá nhiều suy nghĩ đến mức đôi khi thật khó để diễn đạt tất cả thành lời! Nói lắp có thể xuất hiện khi mong muốn được nói của trẻ vượt quá khả năng ngôn ngữ hiện tại, cho đến khi khả năng này bắt kịp với mong muốn đó.
Khoảng 80% trẻ nói lắp tự khỏi trong 2 năm, 20% còn lại sẽ khỏi khi đi học và khoảng 5% trẻ tiếp tục nói lắp đến khi thành người lớn.
Trẻ em nói lắp có thể là lặp từ, chẳng hạn "Mẹ, mẹ... ơi", nếu không phát hiện kịp thời và điều chỉnh thì có thể chuyển thành dạng kéo dài từ (như mẹ...ẹ...ơi) hoặc mất hẳn từ (mẹ...ẹ... nhưng không phát ra được từ "ơi"). Tình trạng nói lắp của trẻ có thể tiến triển nặng khi người lớn có thái độ không đúng: như trách móc, quát mắng, chỉnh sửa không phù hợp... Khi đó, trẻ sẽ tránh nói hoặc phải dùng sức rất nhiều khi nói, khiến mất hẳn từ.
Với trường hợp con nhà chị Thanh, các chuyên gia khuyên mẹ hãy đối phó với tật nói lắp của bé theo những phương pháp nhạy cảm và hữu ích dưới đây:
- Cho trẻ xem tranh có các hình ảnh hoạt động, con vật, các chữ cái và bảo trẻ nói ngay, không cần nghĩ. Lúc nào trẻ không nói lắp cần khuyến khích, khen ngợi để bé tự tin hơn, nói đúng đần. Bố mẹ không được nhại lại, chê bai con, không bao giờ tạo áp lực cho con.
Ảnh minh họa
- Cho trẻ tham gia giao tiếp nhiều với mọi người trong gia đình. Trong quá trình này, khi nói với bé hay nghe bé nói, cần luôn giữ thái độ bình thường, tuyệt đối không bảo bé bị nói lắp.
- Khuyến khích trẻ nói từ đơn giản, không đòi hỏi tư duy ngôn ngữ. Không nên bắt trẻ nói nhiều tình huống phức tạp, không coi việc giao tiếp của trẻ căng thẳng quá. Hình thành phản xạ nói không bị lắp từ câu đơn giản, dần dần, từ từ kéo sang những từ khác.
- Giảm bớt áp lực lên bé bằng cách cho bé thấy bạn rất hứng thú với những điều bé đang nói. Hỏi con từng câu một và chờ bé trả lời trước khi nói tiếp. Lắng nghe một cách chăm chú và kiên nhẫn câu trả lời từ bé.
- Cho bé hát những bài hát con thích sau bảo con đọc lại lời bài hát.