Hà Nội: Cảnh giác nguy cơ bệnh dại trở lại

21:00, Thứ bảy 17/05/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Với con đường lây truyền từ động vật sang người và tỷ lệ tử vong là 100%, bệnh dại rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 2 trường hợp vào tháng 5 tại huyện Chương Mỹ (ngày 7/5) và tại huyện Sóc Sơn (10/5) sau 2 năm vắng bóng.

Ngoài Hà Nội, từ đầu năm đến nay cả nước cũng ghi nhận các ca tử vong do dại tại 10 tỉnh, thành. Trong đó, Thanh Hóa có 3 ca tử vong; Yên Bái và Tuyên Quang mỗi nơi 2 ca...Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virút dại có tên khoa học Rhabdovirus gây nên. Động vật bị bệnh dại truyền virút dại sang người qua vết cắn, vết cào, vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. 

Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển, vì thế, có hạn chế được tỷ lệ mắc và tử vong hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cũng như kiến thức phòng bệnh của người dân.

 biện pháp chủ yếu là quản lý đàn chó

Sau một thời gian dài liên tục giảm, từ năm 2004 đến nay, bệnh dại có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, từ 2001 đến 2003 mỗi năm có khoảng 30 ca tử vong vì bệnh này. Năm 2007, số ca tử vong tăng lên 131. Năm 2013, cả nước ghi nhận 90 ca tử vong do dại. Theo GS,TS Nguyễn Trần Hiển, có 3 nguyên nhân chính khiến tình hình bệnh dại tăng trở lại trong thời gian gần đây:

Thứ nhất, tình hình bệnh dại ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc - nước láng giềng với Việt Nam, tăng lên đáng kể sau năm 2000. Chẳng hạn sau năm 2007, số ca tử vong do bệnh dại ở Trung Quốc tăng gấp 16 lần so với năm 1995. Do đó, việc giao lưu mua bán, vận chuyển giữa các đàn chó qua biên giới là yếu tố làm gia tăng việc lây truyền chó dại.

Thứ hai, do người dân chủ quan vì quan niệm bệnh dại đã được kiểm soát thành công, nên sự tham gia của người dân, sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc đầu tư cho công tác phòng chống bệnh dại rất thấp. Mặt khác, những năm gần đây, chúng ta phải đối mặt với nhiều bệnh dịch khác như: dịch cúm H5N1, dịch Sars, sốt xuất huyết, tả, tay chân miệng… nên các nguồn đầu tư tập trung cho việc phòng chống những dịch bệnh này và giảm đầu tư cho phòng chống bệnh dại. Vì vậy, hiệu quả dự phòng bệnh dại không cao.

Thứ ba, do tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại thời gian gần đây rất thấp, có nhiều địa phương ở nông thôn tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại khoảng 30%, còn các tỉnh miền núi trung du khoảng 10%, đặc biệt còn có tỉnh chưa tiêm phòng bệnh dại. Đây là mối lo ngại lớn vì bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Để khống chế bệnh dại ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, thời gian tới, việc quan trọng đầu tiên là chính quyền các cấp phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại trên địa bàn, huy động các ban ngành đoàn thể cùng người dân chủ động tham gia tích cực phòng chống bệnh dại. Trong đó biện pháp chủ yếu là quản lý đàn chó vì không có chó dại thì sẽ không có bệnh dại ở người.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần phải dự phòng chủ động tích cực trước khi bị chó dại cắn cho nhóm người có nguy cơ cao như cán bộ thú y đi bắt chó, tiêm phòng cho chó, người giết mổ chó…

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh khuyến cáo "Để phòng được bệnh trên người thì phải ngăn được bệnh trên đàn chó, mèo... Việc này cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp. Người dân bị chó cắn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vắcxin phòng dại".

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Thị Minh