Trên thế giới có không ít người mắc phải căn bệnh bạch tạng nhưng ở châu Phi, nhất là Tanzania thì việc một người da đen bị mang trong mình căn bệnh này coi như là mang án tử hình. Từ năm 2006, có tới 71 người bạch tạng ở quốc gia này đã bị giết chết và 29 người khác bị tấn công. Cứ 1400 người ở Đông Phi thì có 1 người mắc bệnh này, tỉ lệ này cao hơn nhiều so với thế giới (1/20000 dân). Những quan điểm sai lầm về căn bệnh này đã ăn sâu vào gốc dễ của người dân nơi đây.
6 người trong ngôi làng mà em Catherine Amidu, 12 tuổi đang sống (Malawi), đã bị giết để lấy bộ phận cơ thể tính từ tháng 12/2014 đến nay. Điều này xuất phát từ việc nhiều người ở Đông Phi tin vào một hủ tục rằng cơ thể người bạch tạng là bùa chú mang lại may mắn, tình yêu và thịnh vượng.
Nhiều thập kỷ qua, bà Femia Tchulani, 42 tuổi, sống trong nỗi lo sợ bị bắt và bị giết để lấy thi thể bán ngoài chợ đen. Trong khi đó báo cáo của Hội Chữ thập Đỏ tại một nước châu Phi cho biết, các thầy tế sẵn sàng bỏ ra số tiền 75.000 USD để mua đầy đủ cơ thể của một người bạch tạng. Khoản tiền lớn này khiến nhiều người bất chấp pháp luật để săn lùng các nạn nhân.
Cô Mainasi Issa, 23 tuổi, là một trong những phụ nữ bạch tạng mà cảnh sát Malawi đang bảo vệ. Nhà chức trách đã bắt một người đàn ông khi y đang cố siết cổ thiếu niên bạch tạng 16 tuổi hồi tháng 3. Sau sự việc này, Tổng thanh tra Cảnh sát Lexen Kachama của Malawi đã ra lệnh cảnh sát sẵn sàng nã súng vào "những kẻ tội phạm nguy hiểm". "Chúng ta không thể làm ngơ trước việc những đồng bào bạch tạng bị giết dã man như động vật mỗi ngày. Khi con người mất hết nhân tính, họ đáng bị đối xử như vậy", ông Kachama nói.
Tại Tanzania, biện pháp tương tự cũng được áp dụng nhưng khuyến cáo cảnh sát không nên vội vàng nổ súng. Chính quyền Burundi thậm chí đã xây hẳn một khu nhà để những người bạch tạng chuyển đến sinh sống.
Săn người bạch tạng làm... thuốc “thần kì” (Đời sống) -
|